Vào ma trận thực phẩm chức năng- Bài 4: Hỗn loạn đến bao giờ?

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi dẫn đầu đoàn thanh tra vào tháng 8/2014 tại TPHCM đã phát hiện hàng loạt thuốc giảm cân quảng cáo là “thần dược”. Ảnh: L.N
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi dẫn đầu đoàn thanh tra vào tháng 8/2014 tại TPHCM đã phát hiện hàng loạt thuốc giảm cân quảng cáo là “thần dược”. Ảnh: L.N
TP - Hiện chưa có tiêu chuẩn nào cho thực phẩm chức năng (TPCN). Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam Trần Đáng cho rằng, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, thị trường trở nên hỗn loạn xuất phát từ hàng loạt vấn đề bất cập trong quản lý. Do không theo kịp sự phát triển thị trường, nên cơ quan quản lý đã đánh đồng nhiều tiêu chuẩn, điều kiện quản lý thực phẩm thường với TPCN.

Thổi phồng công dụng

Viên nang giảm cân L.H do Cty Y tế P. nhập khẩu về Việt Nam được quảng cáo với vô số tác dụng như tiêu hủy lượng mỡ thừa, ức chế trung tâm no. Quảng cáo trên mạng, sản phẩm này còn được gọi là “thuốc giảm cân” và giảm 4-10kg trong một tháng sử dụng. Tuy nhiên, hỏi có nghiên cứu lâm sàng nào để chứng minh thì những người bán hàng nói “một số người mua sản phẩm dùng và giảm cân ào ào” đồng thời cho số điện thoại của họ để xác tín. Thực tế, qua điều tra hai số điện thoại mà nhân viên Cty P. cho chúng tôi để gọi hỏi thì đều biết đây là “gà nhà” của công ty. 

“Thực phẩm chức năng là một trong 3 mặt hàng ảnh hưởng sức khỏe con người (cùng thuốc và mỹ phẩm) mà Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đang tích cực tăng cường kiểm tra đợt này. Bất cứ đơn vị nào bị phát hiện vi phạm đều phải xử lý nghiêm”.

Ông Trần Hùng,

Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong vai người có nhu cầu giảm cân, gọi điện đến đường dây nóng của một công ty bán sản phẩm RichS... được quảng cáo là hộp có 60 viên, ngày dùng 2 viên trước bữa ăn sẽ giảm được 10kg trong vòng một tháng. Còn giảm béo “siêu tốc” Maxi G...của Mỹ nhập về, được Tiến, phụ trách nhãn hàng của công ty thuốc giảm cân ở Gò Vấp, TPHCM chào giá 1,8 triệu đồng/lọ. “Loại này uống một tuần là giảm ngay 5-7kg mà không có tác dụng phụ nào. Nó tác dụng hơn cả thuốc nữa”, Tiến quảng cáo.

Cạnh tranh về độ “nổ” ngang ngửa với thực phẩm chức năng giảm cân siêu tốc của chị em là các sản phẩm hỗ trợ sinh lực đàn ông. “Viên nang đông trùng hạ thảo” được nhân viên tên Hoàng, ra giá 1,2 triệu đồng/hộp. Cấp phép quảng cáo chỉ ghi hỗ trợ tăng testosteron nhưng qua miệng Hoàng, thực phẩm này được “thần thánh hóa”. “Loại này xuất xứ từ Tập đoàn Hoa Đức - Tứ Xuyên - Trung Quốc, được chế từ tinh chất của Trùng thảo Tây Tạng. Đàn ông yếu sinh lý uống vào 2 viên là “thèm yêu” như thời trai trẻ”, Hoàng quảng cáo. Theo người bán hàng, mỗi ngày chỉ cần dùng 2 viên trước khi “hành sự” là có tác dụng kéo dài tới 2 tiếng?!

TPCN chỉ là sản phẩm hỗ trợ sức khỏe. Nếu coi nó là “thần dược” uống đâu bổ đấy thì có lẽ chỉ có trong… quảng cáo. Trong khi đó, một lãnh đạo của Chi cục Quản lý thị trường TPHCM quan ngại rằng, thị trường này đang bị lạm dụng bởi các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc và hàng giả, hàng nhái đang được quảng cáo như thật.

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm lấy ví dụ khi nơi đây từng cấp phép quảng cáo cho thực phẩm chức năng giảm cân Express Slimming chỉ có vỏn vẹn một dòng “hỗ trợ giảm cân” nhưng khi doanh nghiệp quảng cáo trên mạng và các tờ rơi, tạp chí nội bộ, chức năng của sản phẩm được viết ra hàng chục trang, thổi phồng công dụng lên như thuốc.

Dược sĩ Lê Đức Phan, nghiên cứu lâm sàng tại Cty Dược Hoàng Long, ở quận 10, TPHCM nói: TPCN tăng cường sinh lý nam, chủ yếu có cây dâm dương hoắc. “Từ đây qua hệ thống phân phối, các kênh bán lẻ, người tư vấn, thực phẩm này “thổi” công dụng của chúng thành “thần dược cho quý ông” hơn cả viagra”, ông Phan nói.

Dược sĩ đông y Nguyễn Hoàng, Hội Đông y quận 5, TPHCM nói: “Trên nhiều trang mạng, rao vặt và tờ rơi, doanh nghiệp, người tư vấn cứ lập lờ TPCN như thuốc, rồi nói vô số công dụng không có thực chỉ để gạt người thiếu hiểu biết, kiếm tiền”. Thực tế, nhiều dược sỹ, bác sỹ cũng đã được mời tham gia vào quá trình thổi phồng công dụng và bán hàng TPCN.

Không cứng rắn, sẽ còn loạn

 “Việc văn bản ban ra lấy điều kiện sản xuất thực phẩm thường áp cho sản phẩm TPCN là không được. Cơ quan quản lý mặc định điều kiện sản xuất TPCN như điều kiện sản xuất thực phẩm thường là không ổn. Đáng ra, điều kiện sản xuất TPCN phải cao hơn thực phẩm thường, tiệm cận thuốc. Cần có quy định chặt chẽ”, ông Đáng đánh giá. Vị này còn đưa ra ví dụ một người có trình độ nghề cấp 3-4 sản xuất bánh kẹo, nhưng vẫn dùng điều kiện sản xuất đó, dụng cụ thô thiển đó để sản xuất TPCN. “Rõ ràng quy định đăng ký của cơ quan quản lý chưa theo kịp. Chưa làm rõ được ai được phép sản xuất”, ông Đáng phân tích về tình trạng sản xuất TPCN tràn lan hiện nay.

Ông Vương Chí Dũng, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cũng cho rằng, việc không có một tiêu chí nhất định về sản xuất TPCN làm đánh đồng tất cả doanh nghiệp đầu tư lớn cũng như doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình thiếu điều kiện. “Điều này làm mất niềm tin của nhà đầu tư”, ông Dũng nói.

Ông Trần Đáng cho rằng, việc áp dụng quy định về nhãn mác của thực phẩm thường lên TPCN cũng tạo nên sự hỗn loạn thị trường hiện nay. “Doanh nghiệp tự công bố lung tung. Nhà nước cần sớm văn bản quy định quản lý hợp lý, ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí đúng đối tượng mới có thể quản lý được. Không có bàn tay cứng rắn của nhà nước thì sẽ còn loạn nữa”, người đứng đầu Hiệp hội TPCN Việt Nam nhận định.

Theo Hiệp hội TPCN, năm 2000 mới chỉ có 13 cơ sở kinh doanh 63 sản phẩm toàn bộ đều nhập khẩu. Đến năm 2013, số cơ sở sản xuất kinh doanh tăng lên con số 3.512 cơ sở với 6.851 sản phẩm. Trong đó có đến 5.518 sản phẩm sản xuất trong nước (chiếm 80,5%). Thay vì nhập với giá cao, các đơn vị sản xuất trong nước với giá thành thấp hơn hàng chục lần. Tuy nhiên, không có bên nào giám sát, kiểm tra chất lượng.

Ông Vương Chí Dũng phân tích, cơ quan quản lý chuyên môn cần làm rõ 2 vấn đề: Chất lượng và giá thành sản phẩm sẽ biết rõ căn nguyên sự phát triển nóng hiện nay của TPCN. “Ví dụ viên khớp Glucosamine khá phổ biến, có loại 500g, 1.000g hay 2.000g. Nếu nói sản phẩm nội và sản phẩm nhập ngoại cùng chất lượng, tại sao giá chênh lệch hàng chục lần. Nếu cùng chất lượng, cần minh bạch để dân lựa chọn, tránh lãng phí tiền mua hàng nhập đắt, trong khi trong nước có thể sản xuất được”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, thực tế người dân không tin chất lượng sản phẩm trong nước. Lý do: “80% việc hậu kiểm chất lượng, sau cấp phép, sau sản xuất hầu như bỏ trống, không ai kiểm tra. Có những cơ sở qua kiểm tra thực tế, dùng nguyên liệu không có nguồn gốc thì chất lượng sản phẩm làm sao đảm bảo chất lượng. Nhiều khi đi kiểm tra, nhìn cơ sở sản xuất, quy mô, máy móc nhà xưởng, chúng tôi tự hỏi: Thế này mà cũng cấp phép sản xuất. Nếu chỉ chờ sự nhiệt tình của cơ quan chức năng, sự may rủi (tấm lòng của doanh nghiệp) thì không ổn”, ông Dũng cho hay.

Ở góc độ khác, ông Trần Đáng cho rằng, khâu quản lý cấp phép và cạnh tranh đang có vấn đề. Ví dụ có sản phẩm bị tước cấp phép tại TPHCM, nhưng sau đó lại đăng ký được tại Hà Nội. “Những doanh nghiệp này đang đi lừa đảo người dân ở các vùng nông thôn”, ông Đáng nhận định.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.