Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), đã xuất khẩu được 31 xe container (trong đó 25 xe trái cây như thanh long, dưa hấu, mít, nhãn và linh kiện điện tử) và nhập khẩu 25 xe gồm linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, trái cây (táo, cam), nông sản khác (hành, tỏi, nấm). Hiện vẫn còn tồn 114 xe hàng trái cây (thanh long, mít, ớt, nhãn) và linh kiện điện tử tại khu cửa khẩu này
Hai cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam, không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu. Riêng của khẩu Cốc Nam còn tồn 10 xe nông sản, tạp hóa các loại. Cửa khẩu Ga Đồng Đăng còn tồn 37 toa (7 toa thanh long chờ xuất khẩu, 37 toa thép chờ nhập khẩu).
Tại tỉnh Lào Cai, ngày 10/2, đã có 12 xe trái cây (thanh long, chuối, mít, dưa hấu) xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, tiến độ thông quan bên phía Trung Quốc vẫn chậm do thiếu nhân lực liên quan đến quá trình giao nhận hàng hóa, 7 xe trái cây làm thủ tục xuất khẩu từ sáng ngày 8/2 đến tối ngày 9/2 mới hoàn thành tất cả các khâu giao nhận liên quan tại phía Trung Quốc.
Còn tại cửa khẩu Kim Thành II, hiện còn tồn 120 xe trái cây gồm 100 xe thanh long, 2 xe chuối, còn lại là mít và dưa hấu.
Bên lề hội nghị về xuất khẩu nông sản do Bộ Công Thương tổ chức chiều 11/2, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Minh Phương, Hội trưởng Hội Thanh long ruột đỏ tỉnh Long An đồng thời là chủ một doanh nghiệp xuất khẩu cho hay, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đang gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu là có thật. Như doanh nghiệp của ông hiện đang có 5.000 tấn thanh long đang chờ xuất khẩu ở cửa khẩu và 5.000 tấn còn lại đang ở trong kho lạnh.
Theo ông Phương, việc giải cứu thanh long và các loại nông sản là cần nhưng chưa quá bức thiết. Tuy nhiên, điều khó hiện nay là nhiều khi doanh nghiệp không kết nối được với Sở Công thương địa phương nên không biết bán hàng đi đâu.
Vấn đề nữa trong tiêu thụ nông sản hiện nay là bản thân nông dân và doanh nghiệp cũng đang chờ đợi bán thanh long ruột đỏ sang Trung Quốc vì được giá cao hơn là bán trong nước, thông qua các đầu mối và hệ thống siêu thị trong nước. “Nếu không bán được qua Trung Quốc, doanh nghiệp mới tính đến bán trong nước. Đó là thực tế”, ông Phương chia sẻ.
Theo ông Phương, nông sản cần giải cứu cũng một phần do lỗi từ chính người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu khi đến nay vẫn chỉ quan tâm đến việc xuất khẩu tiểu ngạch, không đầu tư cho xuất khẩu chính ngạch.
“Có tâm lý là người nông dân và doanh nghiệp vẫn không đầu tư để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất hàng chính ngạch như: truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu tiêu chuẩn an toàn chất lượng khi xuất khẩu dẫn đến lượng xuất chính ngạch không được nhiều. Nông dân làm tự phát quen rồi nên để thay đổi, cần vai trò của các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ nữa”, ông Phương nói.