‘Bùa hộ mệnh’ cho phụ nữ mang thai thời Trung Cổ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phụ nữ thời Trung Cổ đặt niềm tin vào một loại “bùa hộ mệnh” để giúp họ an toàn trong quá trình sinh nở.

Sinh con là mối nguy hiểm lớn ở châu Âu vào thời Trung Cổ. Nó được cho là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong cho phụ nữ ở Anh trong giai đoạn cuối thế kỷ 5 đến thế kỷ 11. Ở thời kỳ này, sản khoa gần như không tồn tại, cộng với mối đe dọa của bệnh truyền nhiễm luôn rình rập, khiến phụ nữ không còn cách nào khác ngoài đặt niềm tin vào thế lực siêu nhiên, giúp họ có được sự bảo vệ thiêng liêng trong quá trình sinh nở.

Từ bùa hộ mệnh đến đá quý, danh sách các vật phẩm được nhà thờ dành riêng cho phụ nữ mang thai là rất nhiều, nhưng thứ được sử dụng phổ biến nhất là “đai sinh nở”. Các nhà nghiên cứu gần đây khẳng định, có bằng chứng chắc chắn rằng những chiếc đai này không chỉ được ưa chuộng trong thai kỳ, mà còn được tin tưởng trong khi sinh con.

Theo tạp chí Science, “đai sinh nở” được làm từ da hoặc giấy, là sự kết hợp giữa sách cầu nguyện và bùa phép. “Bùa hộ mệnh” có hình dạng dài và rất mỏng, được dùng để quấn quanh bụng và thân dưới. Một ghi chép cổ cho hay, nếu phụ nữ mang thai đeo chiếc đai đặc dụng này, người đó sẽ sinh con an toàn, không gặp nguy hiểm nào.

‘Bùa hộ mệnh’ cho phụ nữ mang thai thời Trung Cổ ảnh 1 "Đai sinh nở" dài, mỏng, được dùng để quấn quanh cơ thể phụ nữ mang thai.

Nhóm các nhà khảo cổ học của Viện Nghiên cứu Khảo cổ học McDonald tại Đại học Cambridge (Anh) đã tiến hành phân tích một “đai sinh nở” thuộc bộ sưu tập của Thư viện Wellcome (London, Anh). Món đồ cổ này được làm từ 4 dải da cừu khâu lại với nhau, có niên đại vào cuối thời kỳ Trung Cổ - cuối thế kỷ 15 hoặc đầu thế kỷ 16. Trên các dải da được trang trí bởi nhiều biểu tượng thần thánh, bao gồm cây thánh giá. Ngoài ra, bề mặt da có dấu hiệu hao mòn, chứng tỏ thường được chạm vào, cọ xát hoặc hôn thể hiện cho sự thành kính.

Bằng kỹ thuật protein, các nhà nghiên cứu tìm thấy dấu vết của dịch âm đạo, cùng với mật ong, sữa, trứng, cây họ đậu và ngũ cốc. Sarah Fiddyment, tác giả chính của nghiên cứu, cho hay, protein kết hợp với thực vật được đề cập trong các tài liệu về y học thời Trung Cổ để điều trị cho phụ nữ khi chuyển dạ hoặc mang thai. Điều này chứng minh, những ghi chép trong sách cổ thực sự được áp dụng vào thực tế.

‘Bùa hộ mệnh’ cho phụ nữ mang thai thời Trung Cổ ảnh 2 Những chiếc đai này được phụ nữ Trung Cổ gửi gắm niềm tin sinh nở thuận lợi.

Kathryn Rudy, một nhà sử học tại Đại học St. Andrews, kết quả của cuộc nghiên cứu mở ra bức màn cho một hình ảnh đa giác quan, sống động về quá trình sinh nở của phụ nữ thời Trung Cổ. “Chúng tiết lộ hy vọng và nỗi sợ hãi của người sử dụng (bùa hộ mệnh) về cái chết lúc sinh con”, Rudy nhấn mạnh.

Dù nghiên cứu không làm thay đổi những gì đã biết về việc sinh con thời Trung Cổ, Học giả độc lập Monica Green ca ngợi công trình này mang lại bằng chứng về một khái niệm “đầy hứa hẹn”, cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích. Được biết, gần chục mảnh da tương tự được tìm thấy ở Anh và Pháp. Một số được sử dụng riêng cho quá trình sinh nở, số khác được dùng làm bùa hộ mệnh cho cả phụ nữ mang thai lẫn đàn ông ra trận. Với kỹ thuật protein, những bí mật đằng sau những mảnh da này sẽ dần hé lộ như chiếc “đai sinh nở” đề cập ở trên.

Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí khoa học Royal Society Open Science vào ngày 8/3. Khám phá mới củng cố thêm giả thiết rằng, phụ nữ thời Trung Cổ sử dụng các nghi lễ và tôn giáo để xoa dịu tinh thần lúc sinh con, dù điều này bị các nhà cải cách Cơ đốc giáo cấm đoán thời điểm đó.

Theo Theo Guardian, Science
MỚI - NÓNG