Sức làm việc đáng kinh ngạc của nhà nghiên cứu 104 tuổi

TPO - Ở tuổi xưa nay hiếm, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn duy trì thói quen làm việc đáng nể. Ông luôn dành khoảng 10 giờ mỗi ngày cho việc nghiên cứu về văn hóa và lịch sử các vùng đất. 

Công trình văn hóa - lịch sử có ý nghĩa lớn với TPHCM

Ở tuổi 104, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn miệt mài làm việc. Ông vừa giành giải A Giải thưởng Sách quốc gia 2024 cho tập Gia Định - Sài Gòn - TP HCM: Dặm dài lịch sử.Đây là lần thứ hai ông nhận giải cao nhất ở Giải thưởng Sách quốc gia.

Với tác phẩm này, tác giả cung cấp cái nhìn bao quát, toàn diện, cụ thể các giai đoạn lịch sử, từ năm 1698 đến năm 2020 của TPHCM. Chế độ chính trị, các lĩnh vực hoạt động về hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, tôn giáo tín ngưỡng, thể dục thể thao,... của từng thời kỳ đều được ghi lại.

Tác phẩm được ví như một tập cẩm nang mà mọi cơ quan, cán bộ, công chức, mọi gia đình trong thành phố nên có.

Sức làm việc đáng kinh ngạc của nhà nghiên cứu 104 tuổi ảnh 1

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư giành giải A Giải thưởng Sách quốc gia 2024.

Phát biểu tại lễ trao giải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư dù đã 104 tuổi nhưng vẫn bền bỉ cống hiến, dành tâm huyết đời mình cho bộ sách đồ sộ về lịch sử, văn hóa, địa chí. "Ông thực sự là tấm gương về sự lao động khoa học và tâm huyết, người truyền cảm hứng về tình yêu sách", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Chia sẻ cảm xúc khi nhận giải thưởng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nói ông viết sách không phải vì lợi ích vật chất mà hướng đến lợi ích tinh thần. "Thời gian, công sức lao động của tôi được ghi nhận. Đó là điều ý nghĩa nhất. Tôi biết sự cống hiến của mình không vô ích", ông bày tỏ.

Sức làm việc đáng kinh ngạc của nhà nghiên cứu 104 tuổi ảnh 2Sức làm việc đáng kinh ngạc của nhà nghiên cứu 104 tuổi ảnh 3
Tác giả đi tàu hỏa từ TPHCM ra Hà Nội để nhận giải.

PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - nhận định Gia Định - Sài Gòn - TP HCM: Dặm dài lịch sử có thể xếp vào hàng những cuốn sách đồ sộ nhất Việt Nam. "Tác giả của cuốn sách đã ngoài 104 tuổi. Riêng cuốn này, ông dành 10 năm sưu tầm tài liệu, viết đề cương. Công trình của ông viết về nhiều giai đoạn khác nhau", PGS.TS Trần Đức Cường nói.

Hội đồng giám khảo của Giải thưởng Sách quốc gia 2024 nhận định cuốn sách tận dụng được nhiều tư liệu của nhiều nhà khoa học đi trước, hệ thống hóa một cách rất phong phú, khoa học các tài liệu có nguồn gốc đáng tin cậy và cung cấp nhiều thông tin có giá trị tham khảo cao.

Cụ ông ngoài 100 tuổi vẫn làm việc 10 tiếng mỗi ngày

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920 tại xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Thời kháng chiến chống Pháp, ông là cộng tác viên báo Độc Lập. Năm 1962, ông làm việc cho Ty Điền địa Phú Yên.

Sự nghiệp cầm bút của ông trải dài gần một thế kỷ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có tác phẩm truyện dài đầu tiên mang tên Nguyễn Xí - đăng trên báo Truyền bá số 85, ra tháng 6/1943.

Sức làm việc đáng kinh ngạc của nhà nghiên cứu 104 tuổi ảnh 4
Nhà nghiên cứu 104 tuổi dành thời gian làm việc, đọc sách mỗi ngày.

Tính đến nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có khoảng 60 đầu sách đã xuất bản như Non nước Phú Yên, Địa chí Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận, Đường phố nội thành TP Hồ Chí Minh, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Non nước Quảng Trị, Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ, Sổ tay tên đường ở TP Hồ Chí Minh, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954), Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954), tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân, Bộ sách Gia Định- Sài Gòn -TP HCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020)…

Cuộc sống của ông nhiều thăng trầm. Nhắc về thời bơm sửa xe đạp kiếm sống, tác giả khẳng định sự chăm chỉ, cần cù, lạc quan giúp ông "đi qua tất cả". Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết ông còn nhiều công trình đang ấp ủ, hầu hết là sách về các vấn đề lịch sử địa lý, từ điển dư địa chí, sự thành lập của các tỉnh Nam bộ, Bắc Trung bộ, Tây nguyên.

Ông từng chia sẻ dự định viết sách về các loại văn tế. "Ngày xưa có loại văn tế viết rất bi ai, bi thương, xúc động, ai đọc cũng chảy nước mắt, nhưng sau này không còn nữa, tôi sưu tầm loại văn đó để hậu thế biết về thể loại đó và biết cha ông ta ngày xưa sống tình cảm như thế", nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nói.

Ở tuổi xưa nay hiếm, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn duy trì thói quen làm việc đáng nể. Ông luôn dành khoảng 10 giờ mỗi ngày cho việc nghiên cứu về văn hóa và lịch sử các vùng đất.

Sức làm việc đáng kinh ngạc của nhà nghiên cứu 104 tuổi ảnh 5
Công trình nghiên cứu trên 20 năm của tác giả Nguyễn Đình Tư.

Mỗi ngày, ông dành ra 45 phút để tập thể dục rèn luyện sức khỏe. Ông kết hợp đi bộ lên xuống cầu thang, giữ cho các xương khớp không bị tê cứng.

"Quan trọng nhất vẫn là tinh thần. Tôi tiếp thu giáo lý đạo Phật từ bi hỉ xả, ai cũng có sai lầm, nói xong thì thôi, không chấp, không để lòng, nên khi nào tôi cũng vui", nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ dịp ra mắt cuốn Đi qua trăm năm đầu năm 2024.

Năm 2022, ông được UBND quận Bình Thạnh (TPHCM) phối hợp với Viện Kỷ lục Việt Nam tặng bằng tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục Việt Nam với nội dung: Nhà nghiên cứu có quá trình 80 năm lao động, sáng tạo, cống hiến, đóng góp nhiều nội dung giá trị về văn hóa, lịch sử, địa chí của các vùng miền, tỉnh/thành phố Việt Nam với gần 60 tác phẩm đã được xuất bản.

Tin liên quan