Vắc-xin cho người nghèo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Anh tôi làm shipper (người giao hàng) tại TPHCM. Mỗi ngày anh phải chạy xe máy cả trăm ki-lô-mét để giao đồ ăn cho khách tại nhiều địa điểm, ở nhiều quận, huyện trong thành phố.

Người anh tiếp xúc mỗi ngày nhiều vô kể nên nguy cơ lây nhiễm dịch rất cao. Trong khi đó, phương tiện trang bị để phòng chống dịch của anh chỉ có mỗi cái khẩu trang và ít cồn khô. Khi dịch bùng phát, người thân khuyên anh tạm nghỉ một thời gian để “né” dịch, nhưng anh không thể bởi anh là lao động duy nhất của một gia đình nhiều người đau ốm và mất sức lao động. Vì vậy, dù tiều tụy và hốc hác, người đàn ông tuổi 55 này vẫn ngày ngày mài mặt trên đường, bất kể nắng mưa để kiếm tiền nuôi gia đình. Uớc mong lớn nhất của anh lúc này là có được liều vắc-xin phòng COVID-19 để được an toàn khi đi làm và an tâm rằng cả gia đình sẽ không bị đổ gục bởi dịch.

Được tiêm vắc-xin là mong muốn của hàng triệu người trong lúc này, nhất là những người nghèo. Vắc-xin là giải pháp mang tính quyết định đến việc ngăn chặn, đầy lùi dịch. Để có vắc-xin, bên cạnh đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn vắc-xin COVID-19 nhập khẩu, với mục tiêu đạt 150 triệu liều vắc-xin tiêm cho 70-80 triệu người dân.

Tuy nhiên, số lượng vắc-xin thực có và số người đã được sử dụng vắc-xin trong cả nước hiện nay chiếm tỷ lệ chưa đáng kể. Trong khi đó, dịch vẫn không ngừng lan rộng. Nhằm đẩy nhanh tiến độ và gia tăng cơ hội tiếp cận vắc-xin của người dân, Chính phủ đã “bật đèn xanh” cho việc xã hội hóa nhập khẩu vắc-xin.

Với tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch, ngoài lượng vắc-xin được Chính phủ điều tiết, TPHCM làm mọi cách để người dân kịp thời có vắc-xin. Vắc-xin sẽ được ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, tiếp đến là công nhân lao động trong các nhà máy, xí nghiệp và người lao động nghèo, người cao tuổi, người cung cấp dịch vụ thiết yếu…

TPHCM là nơi người lao động nghèo chiếm tỷ trọng lớn và đây là nhóm dễ bị tổn thương bởi những tác động của dịch bệnh. Vắc-xin sẽ giúp những người nghèo được an toàn, và vì vậy gánh nặng an sinh xã hội của Nhà nước sẽ giảm đi và an ninh xã hội sẽ tốt hơn. Là đầu tàu kinh tế cả nước, TPHCM hiện có trên 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên và có trên 1,6 triệu công nhân, người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp. Đây là lực lượng sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội và đảm bảo sự ổn định của các cơ sở sản xuất, song phần lớn họ cũng là người nghèo. Do vậy, việc bảo vệ lực lượng này càng trở nên cấp thiết.

Ưu tiên vắc-xin cho công nhân và người nghèo là chủ trương mang tính nhân văn, đồng thời phù hợp với đặc thù và tình hình thực tế của thành phố trên chục triệu dân này. Song, việc chống dịch của chính quyền chỉ thành công khi có sự đồng lòng, hiệp sức và chia sẻ của mọi người dân, trong đó có việc đóng góp nguồn lực để có nhiều hơn nữa những liều vắc-xin quý giá.

MỚI - NÓNG