Ưu tiên hỗ trợ sản xuất hàng tiêu dùng nội địa và thay thế nhập khẩu

Ưu tiên hỗ trợ sản xuất hàng tiêu dùng nội địa và thay thế nhập khẩu
TP - Đây là một trong những giải pháp quan trọng của Bộ Công Thương sẽ triển khai trong năm 2009 nhằm thực hiện mục tiêu của Chính phủ về ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.

Theo đó, các hàng hóa phục vụ tiêu dùng nội địa (thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, thuốc chữa bệnh), các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, sử dụng nhiều lao động (vật liệu xây dựng, cơ khí, chế tạo, đóng tàu, phân bón sẽ được ưu tiên hỗ trợ.

Một số sản phẩm công nghiệp đang tồn đọng như phôi thép, thép xây dựng, xi măng, phân bón, giấy, hóa chất cũng được hỗ trợ theo nguyên tắc cơ cấu lại thời hạn vay, thực hiện miễn giảm lãi suất các khoản vay có lãi suất cao theo chính sách của Chính phủ.

Trong tháng 12 này, Bộ cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất chế tạo các sản phẩm công nghiệp đủ điều kiện thay thế hàng nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ đang tích cực hoàn thành Đề án đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu giai đoạn 2009 - 2010, trong đó chú trọng các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu; tiếp tục thực thi chính sách thay thế nhập khẩu với việc thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ, chế tạo và hoá dầu để tận dụng nguồn lực, công nghệ, vật tư, thiết bị máy móc sản xuất trong nước đủ tiêu chuẩn, giảm nhập siêu.

Trong năm 2009, các hoạt động xúc tiến thương mại theo từng ngành hàng, từng hợp đồng xuất khẩu lớn sẽ tiếp tục được tăng cường theo các kênh chính thức và không chính thức nhằm chủ động ứng phó với chính sách bảo hộ mậu dịch, dỡ bỏ các rào cản thuế và phi thuế để tăng xuất khẩu.

Để tăng xuất khẩu và giảm nhập siêu, Bộ sẽ triệt để khai thác lợi thế từ các Hiệp định khu vực mậu dịch tự do (FTA); thúc đẩy sớm việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, các Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN với Ôxtrâylia, Niu Dilân, Ấn Độ và một số đối tác kinh tế quan trọng khác.

Bộ đang lập phương án cân đối nguồn nguyên liệu nhập khẩu và có chính sách khuyến khích gia công tăng kim ngạch xuất khẩu các ngành nghề sử dụng nhiều lao động và vật tư trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu theo phương thức giao hàng tại kho ngoại quan.

Để kịp thời đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong nước, Đề án phát triển hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu đang được gấp rút xây dựng để sớm trình Chính phủ.

Ngoài ra, công tác phòng chống buôn lậu qua biên giới, quản lý thị trường, giá cả, chất lượng hàng hoá và vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được nâng cao; các hành vi kinh doanh trốn lậu thuế, liên kết độc quyền thao túng thị trường sẽ bị xử lý nghiêm.                                                            

MỚI - NÓNG