"Ươm" nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
Nhờ đào tạo bài bản, nhiều ngành nghề công nghệ hỗ trợ 100% sinh viên ra trường có việc làm. ảnh: Như Ý
Nhờ đào tạo bài bản, nhiều ngành nghề công nghệ hỗ trợ 100% sinh viên ra trường có việc làm. ảnh: Như Ý
TPO - Thời gian qua, việc đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ ngày càng được chú trọng, bước đầu cho thấy hiệu quả, nhờ các hoạt động kết nối cung cầu, đào tạo đặt hàng. Sinh viên ngành công nghiệp hỗ trợ có đầu ra việc làm tốt, có lĩnh vực lên tới 95%.

Đào tạo bài bản, sinh viên có việc ngay khi chưa tốt nghiệp

Những năm qua, lĩnh vực công nghiệp đã có đóng góp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội của đất nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển nhanh cùng với sự mở rộng không ngừng của các doanh nghiệp, khiến cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong ngành tăng nhanh, nhưng khả năng đáp ứng về chất lượng nhân lực còn nhiều hạn chế…. Đặc biệt, nguồn nhân lực trong công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang là vấn đề “nóng”.

Theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), dù thời gian qua nguồn nhân lực ngành công nghiệp tăng cả về số lượng và trình độ chuyên môn, song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, về số lượng còn thiếu hụt lao động có tay nghề cao, thiếu nhân lực trong những ngành, nghề nặng nhọc độc hại. Còn về chất lượng, lao động chưa năng động và sáng tạo, thiếu tác phong chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như điện tử công nghệ thông tin truyền thông, điều khiển tự động ở các trình độ.

Về phía cơ sở đào tạo, ông Phạm Xuân Khánh, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (HHT) chia sẻ: “Nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng nặng nề đối với lực lượng lao động của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Lao động hậu COVID-19 đã “kiệt sức” và không còn muốn trở lại làm việc. Điều này đã gây nên áp lực rất lớn đối với các trường đào tạo dạy nghề nói chung và HHT nói riêng.”

Tuy nhiên, để đáp ứng lao động và thu hút lại nguồn lao động đã thiếu hụt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đề xuất cần có nguồn lực hỗ trợ cho học sinh, sinh viên gặp khó khăn sau dịch bệnh có đủ điều kiện để quay trở lại học nghề và làm việc.

Dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, nhưng hệ cao đẳng khóa 10 (niên khóa 2019 – 2022) vừa tốt nghiệp của HHT vẫn có trên 80% sinh viên có việc làm trước khi ra trường. Trong đó, nhiều ngành nghề 100% sinh viên có việc làm, thuộc nhóm công nghệ hỗ trợ như công nghệ hàn, chế tạo thiết bị cơ khí.

Chú trọng đào tạo theo đặt hàng

Theo TS Trần Xuân Ngọc, Phó Hiệu trưởng Phụ trách HHT, đáng chú ý, ngành sửa chữa máy tính, số sinh viên tìm được việc làm chiếm 95%; điện công nghiệp 85%; công nghệ ô tô 80%. Đa số sinh viên có thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng/tháng và nhiều sinh viên có mức thu nhập cao lên tới 15 triệu đồng/tháng trở lên và được làm việc tại nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Samsung, Hanwha, Honda, VNPT, N&G Group…

Riêng với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) cho biết, đã có đơn đặt hàng đào tạo kỹ sư thực hành tại HHT và Học viện hướng nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSI), nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Đây sẽ là cơ hội rất tốt cho các bạn sinh viên học tập tại trường.

Ông Vân cho biết, tín hiệu đáng mừng cho công nghiệp hỗ trợ là thời gian qua, các trường từ đại học đến cao đẳng, dạy nghề đã đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên, thanh niên trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật: cơ khí chế tạo, sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, điện-điện tử, vận hành máy móc thiết bị có hàm lượng chất xám cao, có yếu tố công nghệ và tự động hoá.

Đây là nguồn nhân lực quý để hình thành lực lượng lao động cho ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. "Cần có cơ chế, định hướng để các cơ sở giáo dục và đào tạo tập trung khai mở các khoa đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với hình thức đào tạo đặt hàng với doanh nghiệp", ông Vân nhấn mạnh.

Về vấn đề này, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, sẽ thông qua các chương trình, kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề để thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu ở tất cả các khâu của quá trình đào tạo như dự báo nhu cầu, tuyển sinh, xây dựng chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình, giảng dạy, thực hành, thực tập, đánh giá tốt nghiệp, tuyển dụng sau khi ra trường…

MỚI - NÓNG
Hàng hoa giấy lại bung nở rực rỡ trên cầu Vĩnh Tuy
Hàng hoa giấy lại bung nở rực rỡ trên cầu Vĩnh Tuy
TPO - Khi bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào Hà Nội, hàng chục nghìn cây xanh, nhiều công trình tại Hà Nội bị hư hỏng. Hàng hoa giấy được trồng trên cầu Vĩnh Tuy cũng không thoát khỏi bị quăng quật trở nên xác xơ, nhưng sau gần một tháng, hiện những cây này đang bung nở trở lại, rực rỡ sức sống.