Ước nguyện cầu duyên ngày rằm tháng Giêng ở thác Pongour

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng Giêng âm lịch, từ hàng ngàn đến hàng vạn nam nữ thanh niên lại đưa nhau đến thác Pongour hùng vĩ, được mệnh danh là Nam phương đệ nhất thác, để nguyện cầu tình yêu son sắt, thủy chung.
Ước nguyện cầu duyên ngày rằm tháng Giêng ở thác Pongour ảnh 1

Pongour là thác nước hùng vĩ nhất phương Nam. Ảnh: Hoàng Nguyên

Từ 14/2, hàng ngàn người đổ về thác Pongour (xã Xuân Thành, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) để cầu duyên và ước nguyện những điều may mắn, tốt lành cho nửa kia của mình.

Theo các già làng K’Ho, ngày mai (rằm tháng Giêng âm lịch), lượng khách đến thác Pongour chắc chắn sẽ đông hơn và đây luôn là ngày có lượng khách đông kỷ lục trong năm. Nhiều du khách đến từ các tỉnh thành xa xôi như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cà Mau…

Ước nguyện cầu duyên ngày rằm tháng Giêng ở thác Pongour ảnh 2

Ngày rằm tháng Giêng luôn lập kỷ lục về lượng khách đến thác Pongour trong 1 năm

Giải đáp thắc mắc vì sao các đôi uyên ương thường chọn ngày này để bái vọng, già K’Mơr nói: Vì Pongour là thác nước hùng vĩ nhất phương Nam và có một truyền thuyết huyền bí gắn liền với thác. Thuở xa xưa, vùng này có một tù trưởng rất xinh đẹp tên là Ka Nai. Nàng có khả năng cảm hóa muôn thú nên được bốn chúa sơn lâm tê giác phò tá đẩy lùi nhiều đội quân xâm lược hùng hậu.

Một ngày rằm tháng Giêng nọ, K’Nai đột nhiên từ trần khiến các ngài tê giác thương tiếc, bỏ ăn, bỏ uống rồi chết theo nàng. Sừng của tê giác biến thành đá và suối tóc của nàng K’Nai đã biến thành dòng nước ôm ấp, vỗ về ghềnh đá nên mỗi dòng nước, phiến đá đều có hồn. Người K’Ho liền đặt tên thác là Pongour: Pon là bốn và gour là sừng.

Với những kẻ bất tín, bội thề thì dòng nước tuôn ào ạt, những ngọn núi cao ngất và vực sâu thăm thẳm sẽ là những cái bẫy chết người khiến họ không còn đường trở ra; còn khi buôn làng mở hội, trai gái tự tình, tiếng thác đổ rất huyền diệu làm say đắm lòng người. Vì vậy mà vào rằm tháng Giêng, nhiều người tìm đến thác nước huyền bí này để bái vọng.

Ước nguyện cầu duyên ngày rằm tháng Giêng ở thác Pongour ảnh 3

Thác nước rất cao, nguy hiểm

Pongour cao tới 30m, bề mặt trải rộng khoảng 120m với cả một dãy thác liền kề; không chỉ đôi ba tầng mà có tới 7 tầng thác với những dòng nước trắng xóa tuôn đổ ầm ào vang xa nhiều cây số.

Các chàng trai, cô gái K’Ho thường tắm mình trong dòng thác hoặc bơi lội ở hồ nước dưới chân thác như một nghi thức để cầu may. Một số người mang theo chai, lọ để hứng nước từ dòng thác mang về cho người thân rửa mặt nhằm cầu mong sự may mắn.

Ước nguyện cầu duyên ngày rằm tháng Giêng ở thác Pongour ảnh 4

Tắm thác để cầu may

“Năm nay, để phòng tránh sự lây lan của dịch COVID-19 nên không tổ chức lễ hội cầu duyên như những năm trước. Có lẽ vì vậy lượng khách có phần giảm sút”, người quản lý thác Pongour nói, giọng tiếc rẻ.

Thông thường, vào rằm tháng Giêng, ngành văn hóa và đơn vị quản lý thác thường phối hợp tổ chức Lễ ước nguyện cầu duyên. Chương trình rất phong phú với hoạt cảnh Thiên sứ tình yêu (những vũ điệu mê hoặc bên dòng thác đẹp như tranh dưới ánh trăng rằm mơ màng); nghi thức rước nước, trao nhau bình nước thiên duyên và thắp sáng hoa đăng để ước nguyện tình yêu bền chặt…

Ước nguyện cầu duyên ngày rằm tháng Giêng ở thác Pongour ảnh 5

Thắp sáng hoa đăng để ước nguyện cầu duyên

Ước nguyện cầu duyên ngày rằm tháng Giêng ở thác Pongour ảnh 6

Điệu múa của dân tộc Thái tại lễ hội cầu duyên

Ngoài ra còn có lễ hội cồng chiêng của người K’Ho hoặc ngày hội văn hóa Thái với lễ cầu an, hội xòe, các trò chơi dân gian, phiên chợ vùng cao, pháo hoa nghệ thuật…

MỚI - NÓNG