Ngày 15/10, tại đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020), Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: “Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững. Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế trên một số ngành, lĩnh vực chuyển biến còn chậm”.
Cụ thể, ngành du lịch, nhất là du lịch sinh thái và du lịch trải nghiệm (gắn với phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn), một ngành có tiềm năng lớn của tỉnh chưa được khai thác đúng mức.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Đoàn Văn Việt-Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần này xác định sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao, phát triển công nghiệp có chọn lọc.
Lâm Đồng sẽ mở rộng không gian du lịch; cấu trúc lại mô hình và sản phẩm du lịch theo hướng sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng, hội nghị, chữa bệnh, du lịch mạo hiểm, đồng thời mở rộng mô hình du lịch trang trại, gắn du lịch với trải nghiệm nông nghiệp, văn hóa đặc trưng vùng Tây Nguyên..
Theo ông Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, tỉnh sẽ phấn đấu đạt lượng khách du lịch qua đăng ký lưu trú tăng bình quân 9%/năm, trong đó, khách quốc tế chiếm từ 12-13% tổng lượng khách qua lưu trú.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI cũng xác định: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, xây dựng Đà Lạt thành trung tâm chất lượng cao tầm quốc gia, khu vực và thế giới. Ban hành kế hoạch về phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Một số chuyên gia cho rằng, Đà Lạt nên đầu tư các sản phẩm du lịch cao cấp, du lịch ban đêm, mở các trung tâm vui chơi giải trí tổng hợp. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn, tôn tạo cảnh quan môi trường.
“Phát huy tốt nhất lợi thế tự nhiên để phát triển du lịch chất lượng cao; cấu trúc lại mô hình và sản phẩm du lịch; giữ gìn phát huy tiềm năng thế mạnh cảnh quan kiến trúc độc đáo, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng rất đặc trưng của Đà Lạt, không gian du lịch bản sắc Lâm Đồng - Tây Nguyên; đưa Lâm Đồng trở thành điểm đến An toàn - Thân thiện - Chất lượng cao và có vị trí nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới, khu vực”, ông Nguyễn Xuân Thắng chỉ đạo.