Ứng phó dịch COVID - 19: Người dân hạn chế tối đa ra khỏi nhà

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: Đình Nam
TP - Ngày 25/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đã họp trực tuyến triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, khi dịch bệnh bước sang giai đoạn 2 phải cố gắng kéo dài nhất thời gian tiệm cận mốc 1.000 ca nhiễm COVID-19, người dân hạn chế tối đa ra khỏi nhà.

Kéo dài nhất thời gian tiệm cận mốc 1.000 ca nhiễm

Thảo luận về diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong khu vực, đánh giá các mô hình phòng chống dịch bệnh, Ban Chỉ đạo nhận định, nhìn chung trong giai đoạn 1, các quốc gia phòng, chống dịch bệnh tốt đều cố gắng kéo dài nhất thời gian dịch bệnh lây lan dưới mốc 100 ca nhiễm bệnh. Tương tự, khi dịch bệnh bước sang giai đoạn 2 phải cố gắng kéo dài nhất thời gian tiệm cận mốc 1.000 ca nhiễm COVID-19.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên thế giới đã có 93 quốc gia có trên 100 ca nhiễm bệnh, trong đó Việt Nam đã có 141 ca tính đến 21 giờ ngày 25/3. “Do đó thời gian tới chúng ta phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm kéo dài thời gian dịch bệnh lây lan ở dưới mốc 1.000 càng lâu càng tốt”, Phó Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, về năng lực xét nghiệm, hiện mỗi ngày, Việt Nam có thể xét nghiệm từ 8.000-10.000 mẫu. Ngành Y tế đang chuẩn bị các điều kiện để nâng cao năng lực xét nghiệm thời gian tới.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương khẩn trương tập trung xét nghiệm, sàng lọc tất cả các trường hợp đang được cách ly tập trung, đặc biệt là những nơi có số lượng người cách ly lớn như Hà Nội, TPHCM. Lực lượng quân đội hỗ trợ xét nghiệm cho các khu cách ly tập trung tại các tỉnh miền Trung. Trong giai đoạn hiện tại, cơ bản có đủ máy móc, vật tư, trang thiết bị bảo hộ… để phục vụ điều trị cho người bệnh, đồng thời tiếp tục chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với tình hình mới.

Khẩn trương truy vết các trường hợp nghi ngờ

Ban Chỉ đạo đề nghị địa phương trước hết phải kiểm soát để các trường hợp này phải thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà, nơi cư trú; theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe hằng ngày; tiếp đó tiến hành thu thập thông tin về các địa điểm người nghi ngờ đã di chuyển, danh sách những người đã tiếp xúc để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, chính quyền cơ sở phải tập trung tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm sớm…

Liên quan nội dung này, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Ban Chỉ đạo yêu cầu một số địa phương trọng điểm (đã xuất hiện ca nhiễm chưa rõ nguồn lây) cần tiếp tục khẩn trương truy vết các trường hợp nghi ngờ để sàng lọc, cách ly theo quy định; đồng thời đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục tổ chức thật tốt công tác cách ly, cố gắng không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly tập trung…

Đại diện Bộ Quốc phòng khẳng định, quân đội đã chuẩn bị đủ địa điểm cách ly. Nhìn chung điều kiện sinh hoạt, ăn ở tại nơi cách ly tập trung khá tốt, thậm chí còn cao hơn điều kiện sinh hoạt của bộ đội. Bộ Quốc phòng đề nghị bà con yên tâm, không tiếp tế thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt cho thân nhân trong các khu cách ly để tránh lây nhiễm. Quân đội khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng đi đầu trong mọi tình huống để phòng chống dịch, bảo vệ bình yên cho nhân dân.

Tập trung cao độ, không để dịch bệnh lan rộng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta đã đạt được những kết quả tốt trong giai đoạn 1, hiện đang kiểm soát được dịch bệnh. Mặc dù là nước được đánh giá có nguy cơ rất lớn, dân số đông nhưng chúng ta chưa có người tử vong, số người nhiễm đứng thứ gần 80 trên thế giới.Tuy nhiên, chúng ta đã ở vào thế “trong đánh ra, ngoài đánh vào”. Trên thế giới dịch bệnh đang diễn biến rất nhanh, hết sức phức tạp, khó lường.

Nhiều nước có nền y tế, kinh tế phát triển hơn Việt Nam nhiều lần nhưng đã hàng chục ngàn người nhiễm bệnh, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tử vong. Bệnh dịch đã và đang đe dọa sức khỏe, tính mạng của mọi người. Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm bệnh và trở thành nguồn lây bệnh cho người khác nếu không thực hiện nghiêm, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, hướng dẫn của ngành y tế. Ngược lại, nếu thực hiện tốt thì mỗi người sẽ không bị lây nhiễm và đất nước sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh như đã làm được ở giai đoạn 1. Đây là thời điểm chúng ta cần tập trung cao độ, không để cho dịch bệnh lan rộng”.

Phó Thủ tướng cũng kêu gọi mọi người dân cần thực hiện tốt các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn y tế, thậm chí việc thực hiện này có thể làm thay đổi một số thói quen từ lâu, có thể gây bất tiện, tuy nhiên vì sức khoẻ chính mình và vì trách nhiệm với bản thân, với gia đình mình, trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước, mỗi người dân thực hiện thật tốt 5 hướng dẫn của ngành y tế để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, người dân cần hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự có việc cần thiết. Nếu buộc phải ra ngoài thì luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất tối thiểu 2m; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nếu không có xà phòng; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau rửa thường xuyên, thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh; khai báo y tế, cập nhật sức khỏe hàng ngày của mình, giữ liên hệ thường xuyên với nhân viên y tế và cơ sở y tế.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên thế giới đã có 93 quốc gia có trên 100 ca nhiễm bệnh, trong đó Việt Nam đã có 141 ca tính đến 21 giờ ngày 25/3.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.