Minh bạch thủ tục hành chính và thực thi công vụ
Theo Thiếu tướng Lê Quang Đạo, nếu trúng cử, ông sẽ cùng với Đoàn ĐBQH của tỉnh Phú Yên tiếp tục kiến nghị Quốc hội xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ địa phương phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng nông thôn mới và quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở ở nông thôn.
Ông cũng quan tâm chính sách với người có công, người cao tuổi, cán bộ hưu trí; chính sách đãi ngộ cho giáo viên, công nhân viên, người lao động; chính sách đặc thù cho vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng; chính sách giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất và được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp cho các đối tượng nghèo, người có thu nhập thấp, đồng bào dân tộc thiểu số.
Thiếu tướng Lê Quang Đạo cũng cho biết, sẽ đề xuất các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng các quy định pháp luật, các cơ chế chính sách theo hướng đảm bảo tính khả thi cao, sát với tình hình thực tiễn...
Cùng đó, tăng cường phân cấp cho các địa phương, đơn vị cắt giảm các thủ tục không cần thiết, bảo đảm giải quyết các thủ tục giấy tờ hành chính nhanh gọn, rút ngắn thời gian thực hiện và thời gian đi lại của người dân, của doanh nghiệp; thực hiện tốt việc công khai minh bạch các thủ tục hành chính và thực thi công vụ để nhân dân cùng giám sát thực hiện.
“Tôi sẽ phát huy những kinh nghiệm thực tiễn từ cơ sở để đóng góp ý kiến xây dựng hoạch định chính sách, pháp luật sát với thực tiễn đặt ra trong công tác dân tộc, miền núi và công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, Thiếu tướng Lê Quang Đạo nói.
BĐBP Lạng Sơn tuyên truyền biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cho nhân dân khu vực biên giới. Ảnh: PV |
Thiếu tướng Lê Quang Đạo (SN 1971) nhập ngũ năm 1989, làm chiến sĩ BĐBP tỉnh Nam Định. Tháng 9/1990, ông trúng tuyển học viên Trường Đại học Biên phòng. Từ tháng 9/1993 đến tháng 12/2019, được bổ nhiệm các chức vụ khác nhau từ Đội trưởng, Đồn trưởng đến Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn. Tháng 1/2020, được bổ nhiệm Phó Tham mưu trưởng BĐBP. Tháng 9/2020, được bổ nhiệm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng BĐBP và được phong quân hàm Thiếu tướng.
Trong công tác quân sự, quốc phòng và biên phòng, ông Đạo cho biết sẽ đề xuất những chủ trương, chính sách nhằm xây dựng Quân đội nói chung và Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nói riêng vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị.
Thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị theo chức trách, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của BĐBP, nhất là trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới, giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tham gia thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, các chương trình, mô hình BĐBP đang trực tiếp và tham mưu, phối hợp thực hiện hiệu quả ở khu vực biên giới…
“Tôi luôn tâm niệm, ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, vì vậy, bản thân không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, trình độ năng lực; giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân là yếu tố quan trọng, quyết định nhất tới hiệu quả, công việc của ĐBQH”, Thiếu tướng Lê Quang Đạo khẳng định.
Không ngại chất vấn và đôn đốc trả lời
Đối với công tác xây dựng pháp luật, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến cho biết, đây là nhiệm vụ quan trọng, duy nhất chỉ có ở Quốc hội. Nếu trở thành ĐBQH, với lợi thế có quá trình công tác, học, bảo vệ luận án tiến sĩ và được phong phó giáo sư ngành Luật, ông sẽ nghiên cứu, cùng Đoàn ĐBQH của tỉnh An Giang tham gia ý kiến đề xuất về chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa của Quốc hội.
Trong đó, ông sẽ tập trung tham gia ý kiến vào những văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, chưa phù hợp nhằm góp phần tạo dựng môi trường pháp luật hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động thuộc các lĩnh vực trong đời sống xã hội như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, bảo hiểm...
Đối với hoạt động giám sát, sẽ tham gia thực hiện nhiệm vụ giám sát có hiệu quả những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm, mong chờ để bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm, các chủ trương, chính sách hợp lòng dân được đi vào cuộc sống.
BĐBP Quảng Trị tuần tra bảo vệ chủ quyền trên đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Nguyễn Minh |
Ông Chiến khẳng định, nếu có đầy đủ chứng cứ, sẽ không ngần ngại thực hiện quyền chất vấn của mình đối với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và theo dõi, đôn đốc các cơ quan trả lời hoặc giải quyết những kiến nghị của nhân dân trong thời gian luật định. Khi nhận được đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân, sẽ nghiên cứu nghiêm túc và chuyển kịp thời tới các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.
“Trong quá trình công tác và thực hiện quyền, nhiệm vụ của người ĐBQH, tôi sẽ luôn luôn gương mẫu chấp hành pháp luật, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật”, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến nói.
Sau khi tốt nghiệp đào tạo sĩ quan Biên phòng, từ năm 1986-2009, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến (SN 1966) được phân công làm công tác giảng dạy, quản lý tại Học viện Biên phòng và đi thực tế tại BĐBP Lạng Sơn, Quảng Trị, Cao Bằng; đồng thời tham gia học tập bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại Đại học Luật Hà Nội, học viên Lớp tham mưu chỉ huy tại Học viện Biên phòng Liên bang Nga. Trước khi trở thành Phó Tham mưu trưởng BĐBP (6/2017), ông có hơn một năm giữ cương vị Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Cao Bằng và 4 năm giữ cương vị Phó Chỉ huy trưởng, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Trị. Ông trở thành Tiến sĩ Luật năm 2012, được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 2018 và được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 2020.
Trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, ông Chiến sẽ tìm hiểu, nắm chắc tình hình đất nước, địa phương, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân thông qua hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp và qua các cuộc tiếp xúc cử tri, từ đó mang được tiếng nói của cử tri, của nhân dân vào nghị trường để cùng thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
“Quan tâm lớn nhất của tôi là kiến nghị với QH quyết định những chủ trương lớn về phát triển kinh tế - xã hội cần đi đôi với giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo; tạo cơ chế cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đảm bảo sự phát triển cân đối giữa các địa phương, các vùng miền trong cả nước”, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến nhấn mạnh.