Ứng biến, thích nghi trong đại dịch: Sắp đặt lại tổ ấm

0:00 / 0:00
0:00
Học cùng con
Học cùng con
TP - COVID-19 làm cuộc sống gia đình đột ngột thay đổi. Bố mẹ làm việc online hoặc mất việc. Trẻ không còn thời gian vui chơi bên bè bạn. Nhưng COVID- 19 cũng đem lại cho các gia đình những quãng thời gian vui vẻ, quây quần, đủ để dự liệu cho tương lai nhiều bất ổn phía trước.

Nhà trẻ vui vẻ

Hơn hai tháng qua, gia đình anh Hà Linh ở Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) thực hiện một lịch sinh hoạt bất thường, như trong một kỳ nghỉ dài chưa từng có. Hai vợ chồng đều nghỉ ở nhà làm việc online, hai bé con cũng nghỉ hè ở nhà. Cả nhà hay ngủ nướng, tỉnh dậy lại quấn nhau như sam. Từ ngày 15/8, khi hai cháu bắt đầu học online, lịch sinh hoạt mới siết lại nhưng vẫn quẩn quanh trong nhà với bao tình huống mới phát sinh. “Cả nhà dậy lúc 6 giờ 30, sau vệ sinh cá nhân là ăn sáng, nghỉ ngơi. Đến 7giờ 45 phút, mỗi người ngồi vào một máy tính. Các cháu nghỉ giữa giờ, bố mẹ cũng dừng tay, cho con ăn thêm thức ăn nhẹ. Trưa, con ăn, ngủ đúng giờ như sinh hoạt ở trường”, anh Linh cho hay. Đến chiều, các bé nghỉ học, gia đình anh Linh cho các con ra vườn và phân công con tưới nước. “Vừa để bọn trẻ tiêu tốn thời gian nhưng cũng có thêm chút kinh nghiệm làm nông. Cây phát triển, ra lộc, trổ hoa..., bọn trẻ hứng thú hẳn”, anh Linh chia sẻ.

Đối với cháu nhỏ chưa biết đọc, vợ chồng anh thường dành buổi tối để đọc sách cho cháu nghe. Lúc đọc, anh chị thay nhau đặt ra nhiều câu hỏi và trò chơi gắn với nội dung sách để tạo hứng thú. Thỉnh thoảng, anh đổi “món” bằng cách hướng dẫn các con chơi trò chơi dân gian hay cờ vua. “Đôi lúc cũng cho cháu xem một bộ phim rồi lại kiểm tra trí nhớ của con bằng cách hỏi lại nội dung hay, hấp dẫn của phim. Việc quy định thời gian xem tivi cũng là cách dạy con thực hành kỷ luật về thời gian”, anh Linh chia sẻ.

Ứng biến, thích nghi trong đại dịch: Sắp đặt lại tổ ấm ảnh 1

Cùng con vào bếp

Hơn một tháng qua cũng là quãng thời gian thử thách với vợ chồng anh Phan Văn Việt (Xuân La, Tây Hồ). Không còn những cuộc nhậu từ chiều tối đến khuya, sáng ra lại tất bật với công việc, giờ đây, anh ở nhà chăm con và làm việc online. Ở nhà, vợ chồng anh nghiễm nhiên trở thành những đầu bếp, thầy cô để chăm 3 con nhỏ (9 tuổi, 4 tuổi và 2,5 tuổi). “Hàng loạt tình huống phải xử lý. Các con đang ở độ tuổi hiếu động, luôn muốn có người chơi cùng nên khi cả bố mẹ đều phải làm việc, con luôn tìm cách thu hút sự chú ý. Nhiều lúc, hai cháu tranh đồ chơi khóc lóc hay ăn vạ khiến chúng tôi không thể tập trung làm việc. Hai vợ chồng bàn nhau thay phiên chơi với con. Ngoài việc tạo các trò chơi cùng con như xếp hình, chơi đồ hàng, chơi cờ… với hai cháu nhỏ, vợ chồng còn thay nhau giám sát cháu lớn học online. Những lúc này, vợ chồng phải dành 100% sự quan tâm, chú ý và phải tìm cách duy trì bầu không khí cân bằng, không con nào thấy sự ưu ái riêng”, anh Việt cho hay.

Anh Việt chia sẻ, những tháng ngày tuổi thơ các cháu bị mắc kẹt vì dịch, dù gia đình cố gắng nhưng cũng có lúc thương con. “Có lúc,vợ tôi mở cửa đi chợ mua đồ ăn, các con đứng trong song cửa nhìn sang nhà bạn tha thiết gọi mà thương. Sau lúc đó, vợ chồng tôi cho con trò chuyện online với bạn cho đỡ nhớ. Tất nhiên, có gọi điện cũng không thể bù đắp hết cho các con những lúc nô đùa, chạy nhảy, đá bóng cùng nhau”, anh Việt nói.

Tĩnh tâm sắp đặt tương lai

Những ngày ở nhà giãn cách là khoảng thời gian quý báu của chị Phan Hà ở Phương Mai (Thanh Xuân, Hà Nội). Ngay từ khi dịch xuất hiện tại Hà Nội năm ngoái, chị Hà cùng hai con gái (học lớp 11 và lớp 9) đã lên danh sách thứ tự ưu tiên những việc cần làm khi ở nhà. Tuy nhiên, theo chị Hà, không phải cứ ở nhà, nhiều thời gian mà chị lại gò ép các con theo ý mình.

“Cô con gái lớn tính độc lập, năng động, hướng ngoại, thích hoạt động xã hội nên tôi định hướng, trang bị thêm máy tính để con học tập. Biết con rất thích du lịch, mơ ước du học nên tôi thường gợi thêm mục đích đó để con tìm hiểu văn hóa, lịch sử các quốc gia trên thế giới, để cháu phấn đấu học tập, giành học bổng. Còn cô em, nhút nhát, hướng nội, dịu dàng nên tôi tập trung cho con tìm hiểu thêm về văn học, lịch sử”, chị Hà nói và cho biết thêm, chị cũng sắp xếp làm sao để các con chị có thời gian vui chơi giải trí, hoạt động thể chất làm cho cuộc sống được phong phú, hài hòa.

Để tăng sự gắn kết, chia sẻ, chị Hà thường cùng các con vào bếp, cùng nhau nấu những món ngon yêu thích, đầy đủ chất dinh dưỡng. Chị hướng dẫn các con cách chế biến, nấu nướng, các món ăn ở các vùng miền khác nhau. Chị Hà còn tổ chức sắp xếp thời gian để cách 3 ngày, cả gia đình cùng nhau xem một bộ phim, cùng trao đổi các kiến thức văn hóa, lịch sử. “Ba mẹ con đang xem phim Hàn Quốc, tôi hỏi các con có biết vì sao phim Hàn hay có lời thoại tiếng Anh vào không? Cháu tò mò hỏi thì mình mở rộng thông tin là do ảnh hưởng của văn hóa Âu, Mỹ. Từ đó tôi dẫn sang chuyện lịch sử, văn hóa đó bắt nguồn từ chiến tranh thế giới thứ 2, khi quân Đồng Minh và Liên Xô phân chia các mặt trận, rồi Hàn Quốc nằm dưới sự tiếp quản của Mỹ thế nào?…”, chị Hà ví dụ. Theo chị Hà, các cháu cũng đang tuổi lớn, đây là thời gian quý giá để cha mẹ có điều kiện trao đổi kiến thức về tình bạn, tình yêu và giáo dục giới tính. Với hai con gái, chị thường tâm sự, hay kể những câu chuyện nhẹ nhàng, dễ hiểu giống như một người bạn của con.

Đối với người làm công việc nghiên cứu về luật như chị Hà thì đây là quãng thời gian cuộc sống thong thả, nhẹ nhàng hơn. Những gì yêu thích, đam mê trước đây bị giới hạn thời gian thì nay chị có cơ hội thực hiện. Có những thứ ngày thường chị sẽ vội vàng gạt đi, nhưng giờ đây chị chăm chút, cầu kỳ hơn mà trong lòng lại thấy nhẹ nhàng, thoải mái.

Mỗi ngày, chị đều dành nhiều thời gian để làm một món ăn kỳ công như một thú vui. Những món không chỉ ngon mà phải bày biện đẹp mắt và “khoe” với bạn bè. Rồi không còn cảnh thức khuya làm xong mọi việc mới sờ vào đàn con. Giờ đây, khi vui lên, chị cầm đàn chơi vài khúc yêu thích rồi làm việc tiếp…

Cuộc sống trong dịch hình thành những thói quen tốt

PGS.TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình nói rằng, đại dịch làm cho con người phải tự trang bị những kỹ năng mới, đồng thời điều chỉnh kỹ năng, hoạt động khác trong đời sống hàng ngày. Đây là dịp cha mẹ thoát ra khỏi dòng cuốn mưu sinh, đồng hành với con cái. Không còn thói quen hội hè, tiệc tùng thâu đêm suốt sáng sau giờ tan ca. Cha mẹ nên về nhà cùng con ăn uống tối giản, có chọn lọc, không cầu kỳ. “Những thói quen hữu ích như đọc sách, trồng rau, chăm sóc con cái sẽ được duy trì, bảo lưu sau đại dịch này. Những “bệnh cũ” sẽ không trở lại tức thì mà dần dần phù hợp với cuộc sống theo ý chí con người”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.