Ứng biến, thích nghi trong đại dịch, covid-19Bài 2:

Vận động sau cánh cửa

0:00 / 0:00
0:00
anh Tác cùng con trai tập thể dục tại nhà
anh Tác cùng con trai tập thể dục tại nhà
TP - Hà Nội đang trải qua đợt giãn cách xã hội lần thứ 2. Người dân từ làm việc tại công sở, nhà máy chuyển sang online tại nhà. Song nhu cầu tập thể dục, rèn luyện sức khỏe của họ không vì thế mà ngưng lại…

Càng dịch thành tích càng cao

Những ngày này, anh Phạm Ngọc Tuấn (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) phải gác lại sở thích chơi bóng lâu năm của mình. Để duy trì thói quen vận động thường xuyên, anh Tuấn chuyển sang chạy bộ rồi tập các bài tập về chân, mông, đùi… tại gia.

Là người tâm đắc câu nói “Chiếc giường đắt nhất trên thế giới là chiếc giường bệnh” của tỷ phú người Mỹ Steve Jobs, anh Tuấn quan niệm rằng, sức khỏe là một thứ tài sản tích lũy. Anh thừa nhận, việc tập thể dục trong nhà - với khoảng không gian chật hẹp - rõ ràng bí bách hơn ngoài trời. Nhưng với niềm đam mê thể thao, anh vẫn duy trì rèn luyện sức khỏe mỗi ngày.

“Sau khi đọc sách khoảng 30 phút, khoảng 5h30 sáng, tôi chạy khởi động khoảng một nghìn bước lên xuống cầu thang. Sau đó, tôi chia ra các buổi tập như mông, đùi, bụng hoặc ngực. Mỗi ngày chỉ tập lấy khoảng hai bài”, anh Tuấn nói về mục tiêu đặt ra hàng ngày cho mình.

Vận động sau cánh cửa ảnh 1

Lớp học online tư vấn về việc giảm cân của HLV Hoàng Ngọc Tuấn

Vốn đã quen với việc tập trong nhà, anh Vũ Văn Tác - một huấn luyện viên võ thuật tự do ở Hà Nội cho biết, không cảm thấy khó khăn gì trong vấn đề tập luyện. Thậm chí, anh Tác còn tự lên giáo án cho các buổi tập của chính mình.

“Mỗi ngày, tôi đều tập các bài Squat (tăng cường cơ bắp) và Cardio (giảm cân) đều đặn. Bên cạnh đó, tôi còn tự đặt mục tiêu cho mình chống đẩy, gánh tạ trong vòng 2 phút xem được bao nhiêu lần. Có buổi tôi đạt thành tích đấm tạ nặng 15kg đạt 3.000 cái trong vòng 1h16 phút, một kỷ lục trước đây chưa đạt được”, anh Tác chia sẻ.

Anh Tác cho hay, nhờ việc luyện tập thường xuyên mà các bữa ăn luôn cảm thấy ngon miệng, nhịp tim đều, hơi thở điều hòa, tinh thần luôn luôn sảng khoái. Dự kiến sau khi hết dịch bệnh, anh Tác sẽ mở lại câu lạc bộ tự do của mình để tiếp tục lan tỏa tình yêu võ thuật tới các bạn trẻ.

Gừng càng già càng cay

Từ khi về hưu, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB-XH) sắm cho mình một chiếc xe đạp để chiều chiều đạp trên những địa điểm nổi tiếng ở Thủ đô như hồ Tây, đường Thanh Niên… Nhưng từ khi Hà Nội ra chỉ thị giãn cách toàn thành phố, chiếc xe đạp của ông phải xếp xó.

Bác sĩ An cho biết, lúc nhỏ ông cực kỳ ghét tập thể dục vì thích ngủ nướng. Nhưng từ khi nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến trường miền Nam trước năm 1975, nhận thức của ông về việc rèn luyện sức khỏe thay đổi hẳn. “Có lần, vào đầu năm 1973, trong một trận đánh đồn địch ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), tôi bị một mảnh đạn M79 găm vào khuỷu tay phải. Sau khi mổ gắp được mảnh đạn ra tôi không cử động được 3 ngón tay phải của mình nữa; ngón đeo nhẫn và ngón út quặp lại. Sau khi cắt chỉ khoảng nửa tháng, tôi thấy hai ngón tay teo nhỏ dần đi”, vị nguyên phó Cục trưởng Cục Trẻ em kể. Khi đó, bác sĩ An rất lo lắng sợ rằng mình sẽ bị tật, ông đã quyết tâm tự luyện hàng ngày bằng cách tập cầm nắm và bóp cục gạch đẽo tròn hoặc các loại cây nhỏ tròn, đủ cứng như trái mù u, ổi xanh… Chỉ sau gần 1 tháng, các ngón tay của ông đã hoạt động, co bóp được. Nhờ thế, ông được quay trở lại tiếp tục chiến đấu.

Theo anh Hoàng Ngọc Tuấn, việc tập thể thao tại nhà gặp một số hạn chế nhất định như không gian, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Nhưng nếu biết cách sắp xếp, tận dụng những dụng cụ dễ mua được trên các trang thương mại điện tử, cũng như lựa chọn các bài tập hợp lý thì vẫn đảm bảo được việc duy trì sức khỏe. “Với những người mới hình thành thói quen tập thể dục, chưa có những kiến thức/kỹ năng thì hãy làm quen với việc vận động. Hãy vận động nhiều hơn, vận động bằng mọi cách; có thể đi lại trong nhà nhiều hơn thay vì ngồi/nằm một chỗ. Sau đó làm quen với các bài tập đơn giản mà vẫn mang lại hiệu quả như nhảy dây, nhảy tại chỗ, nhảy nâng cao đùi…”, HLV Tuấn chia sẻ.

Dịch ập đến, không được đạp xe, tuổi đã nhiều, bác sĩ Nguyễn Trọng An lựa chọn bộ môn chạy bộ quanh nhà (có đếm bước) và kiểm soát nhịp tim bằng đồng hồ thông minh Garmin. Phương thức này được ông áp dụng từ thời gian Hà Nội giãn cách năm ngoái và thấy vô cùng hiệu quả. Cuối buổi trò chuyện, bác sỹ An vẫn mong đến một ngày Hà Nội hết giãn cách để ông có thể tự do đạp xe trên các con phố thân quen.

Rủ nhau thể dục… online

Nhận thấy việc cải thiện sức khỏe, thể chất, tăng cường sức đề kháng là một cách để mọi người chống dịch hiệu quả, anh Hoàng Ngọc Tuấn - HLV thể thao tự do tại Hà Nội - quyết định mở lớp học trực tuyến (online) hoàn toàn miễn phí cho những ai có nhu cầu.

HLV Tuấn cho biết, lớp học tổ chức theo hình thức trực tuyến qua ứng dụng Zoom và Google Meet. Lớp học được tổ chức khoảng 3-5 buổi/tuần với việc chia từng phần lý thuyết, kiến thức cơ bản về cách luyện tập, dinh dưỡng và cuối cùng là thực hành.

“Từ khi tôi đăng bài trên một nhóm trên mạng xã hội (10/8), đã có rất nhiều người kết bạn và bày tỏ nguyện vọng được đăng ký học. Vì thế, tôi quyết định chia ra từng lớp tùy từng đối tượng (tăng/giảm cân; mới/đã quen với việc tập) để dễ quản lý lớp học. Ngoài ra, tôi còn lập ra các nhóm chat để cập nhật kiến thức, giải đáp thắc mắc cho từng cá nhân”, HLV Tuấn cho hay.

Đánh giá về hình thức học trực tuyến này, HLV Hoàng Ngọc Tuấn cho rằng ưu điểm lớn nhất của nó là mọi người được tiếp cận với những kiến thức chính xác và khoa học nhất. Trên Internet có rất nhiều kiến thức, tuy nhiên để lực chọn ra cái phù hợp cho bản thân học viên sẽ mất nhiều thời gian, công sức. Thậm chí, nhiều người không có đủ chuyên môn để đánh giá những điều mình tiếp cận là đã đúng, hợp lý với trường hợp của mình.

HLV Tuấn cho biết thêm, lớp học của mình đến nay đã triển khai được khoảng nửa tháng. Số lượng học viên ngày càng tăng. Mọi người đều rất vui vẻ, hài lòng với những gì họ nhận được. Dự kiến, lớp học miễn phí của HLV Tuấn sẽ kéo dài đến khi nào Hà Nội hết thời gian giãn cách xã hội.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.