Ứng biến, thích nghi trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
Hoà thượng Thánh Đức, trụ trì chùa Đức Trọng (Lâm Đồng) đọc cuốn Muôn kiếp nhân sinh. Ảnh: Đức Anh
Hoà thượng Thánh Đức, trụ trì chùa Đức Trọng (Lâm Đồng) đọc cuốn Muôn kiếp nhân sinh. Ảnh: Đức Anh
TP - Những ngày giãn cách phòng dịch COVID-19, nhịp sống trở nên chậm lại, môi trường đọc được tái sinh. Người đọc không chỉ tìm trong sách kiến thức mà còn thấy ở đó liều thuốc an thần, khai mở những hướng đi mới sau đại dịch.

Bạn cũ tìm về

Chu Thị Quyên, sinh viên năm 4 trường Đại học Nội vụ cũng nằm trong số những bạn đọc sách mới tái xuất “thời” COVID-19 như thế. Quyên chia sẻ, trước đây, ngoài thời gian học, cô thường xuyên lướt mạng để đọc thông tin và hầu như không có thời gian đọc sách. Những ngày nghỉ giãn cách, nhịp sống chậm lại bất ngờ, và như một lẽ tự nhiên, Quyên chọn sách làm bạn.

Quyên dành nhiều thời gian để đọc, đọc chậm hơn, đọc cả những sách giúp tích lũy kiến thức và cả sách bồi dưỡng cảm xúc. Hằng ngày, Quyên tranh thủ thời gian lướt mạng, tìm kiếm những chia sẻ về sách và tìm mua để đọc. “Đọc những cuốn như: Hạt giống tâm hồn, Đắc nhân tâm, Muôn kiếp nhân sinh…, em thấy tâm trí mình nhẹ nhàng hơn, suy nghĩ mọi chuyện thoáng hơn. Đọc sách biết về luật nhân quả, em nhìn nhận lại những việc đã làm và dần dần sửa chữa, tu tập bản thân nhiều hơn. Trước đây, bản thân hay bị xúc động và nóng tính. Gần đây, em thấy mình dịu dàng hơn”, Quyên chia sẻ.

Ứng biến, thích nghi trong đại dịch ảnh 1

Chu Thị Quyên, sinh viên năm 4 trường Đại học Nội vụ - lấy sách làm niềm vui ngày giãn cách

Anh Nguyễn Ngọc Hải (Láng Hạ, Đống Đa) vốn là dân nghiên cứu bỏ ngang đi làm doanh nghiệp. Dịch đến, anh lại có cơ hội “sống lại với đam mê”. Anh Hải cho biết, thị trường sách hiện nay rất đa dạng, nên khó có điều kiện để mua hết, đọc hết. Trước dịch, khi có thể đến các hiệu sách, anh đọc “lướt”, thấy thật hứng thú mới quyết định mua. Còn trong thời gian giãn cách, không đến các nhà sách để lựa chọn, anh tìm hiểu qua các “lời giới thiệu” trên mạng xã hội hoặc tra cứu vào các hệ thống nhà xuất bản, nhà sách (có website, app) rồi quyết định bấm nút, đặt mua.

Gu của anh Hải là sách pháp luật để phục vụ công việc, sách chính trị là sở thích và sách văn học là giải trí. Với dòng sách pháp luật và chính trị, do có hiểu biết nhất định nên anh có định hướng rõ ràng khi mua. Theo anh Hải, đây là dòng sách phải “đọc chậm”, đọc đi đọc lại nhiều lần mới có thể hiểu và nắm được nội dung ý tưởng của tác giả. Sách nghiên cứu về pháp luật lại luôn có sự móc xích và quan hệ với nhau, nên nhiều khi, phải đọc thêm những quyển khác để hiểu chính xác các vấn đề mà quyển sách trước đề cập. Còn các dòng sách khác, nhiều khi anh chỉ đọc lướt để nắm được nội dung cơ bản, khi có thời gian hoặc nhu cầu thì sẽ đọc lại kỹ hơn.

Theo anh Hải, trong thời gian giãn cách xã hội, nhịp sống bị đảo lộn trong thời gian dài, cũng như việc phải đối diện với thiệt hại khủng khiếp của bệnh dịch, nhiều người dân (không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác) đều sẽ có nhu cầu tìm một giải pháp để cân bằng cuộc sống. Một trong những giải pháp tích cực nhất là đọc sách. “Người ta không chỉ đọc các sách có nội dung giải trí mà còn đọc nhiều về tôn giáo, kinh doanh, kỹ năng sống. Ở Việt Nam, nếu lướt các diễn đàn, các sàn thương mại điện tử, những cuốn sách tìm kiếm hàng đầu nổi lên như: Muôn kiếp nhân sinh, Đắc nhân tâm… Đây là những cuốn sách không chỉ thuần túy là các triết lý trong cuộc sống mà còn giúp cho người đọc có những ứng dụng vào thực tế. Nhất là giai đoạn hiện nay, khi xã hội phát triển, đòi hỏi con người ai cũng phải có kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp… Vì thế, tự mỗi người đọc sẽ rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Những cuốn về kỹ năng đàm phán, nuôi con, kiếm tiền online, dạy nấu ăn… là xu hướng tìm đọc của nhiều người”, anh Hải chia sẻ.

Liều vắc-xin tinh thần

Những ngày nghỉ giãn cách, lướt trên “cõi” mạng, vào các diễn đàn về sách, chúng ta có thể thấy được nhu cầu đọc đang tăng trông thấy. Chỉ cần gõ các từ khóa như “muốn tìm sách đọc”, “3 cuốn sách gối đầu giường”, “Top 10 cuốn sách bán chạy nhất”, ngay lập tức, hàng loạt những bài đánh giá, nhận xét xuất hiện. Dưới mỗi bài là hàng trăm, hàng nghìn bình luận. Các thống kê gần đây cho thấy, các đầu sách được tìm kiếm nhiều nhất là sách về kỹ năng sống, sách kinh doanh qua mạng, sách sức khỏe…

Tại hội nghị trực tuyến với 35 đơn vị xuất bản và phát hành vừa được tổ chức, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT&TT) nói rằng: “Coi sách là một trong những mặt hàng nuôi dưỡng đời sống tinh thần của mỗi người. Sớm có giải pháp phù hợp đưa sách vào diện hàng hoá được ưu tiên trong vận chuyển, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, của học sinh sắp đến trường”.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nguyên Trưởng phòng Văn học so sánh (Viện Văn học), nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nói rằng, trước tình cảnh đại dịch, chưa bao giờ con người có nhiều thời gian như hiện nay. Để hết thời gian, họ sẽ làm nhiều việc, trong đó có đọc sách. Thời gian này, người đọc sẽ “tiêu thụ” nhiều sách hơn. “Nhìn vào chất lượng, số lượng sách và chủng loại sách (kể cả sách dịch cập nhật cùng mặt bằng với nước ngoài) cho thấy, thị trường đáp ứng lựa chọn cho người đọc. Các bạn trẻ tìm trên mạng, chia sẻ cho nhau cũng là một kênh tìm kiếm sách hữu ích để đọc. Giai đoạn này những cuốn sách về kinh doanh, kỹ năng sống thường được lựa chọn. Sách về nhân sinh cũng được đọc nhiều vì đây là dịp để suy ngẫm về cuộc đời. Hay việc người ta tìm những cuốn sách chữa bệnh là yêu cầu cấp bách”, ông Nguyên nhận định.

Giám đốc First News Nguyễn Văn Phước, người đưa hàng loạt cuốn sách hay về Việt Nam (như Đắc nhân tâm, Hành trình về phương Đông, Hạt giống tâm hồn…) chia sẻ, việc đọc sách trong giai đoạn này giúp người ta có thêm tri thức, rút ra những bài học trong cuộc sống. Lòng người sẽ bình yên, yêu thương nhau, sẵn lòng chia sẻ đùm bọc nhau hơn qua từng trang sách nên giá trị tỉnh thức và chăm sóc tinh thần của sách là không bàn cãi. Ông Phước cho rằng, cơ quan chức năng cần đưa sách là mặt hàng thiết yếu, là liều vắc-xin tinh thần trong giai đoạn giãn cách xã hội và cả những giai đoạn khôi phục an sinh xã hội, kinh tế tiếp theo. “Đây cũng là lúc rất quan trọng và cần thiết để khôi phục lại văn hoá đọc Việt Nam”, Giám đốc First News Nguyễn Văn Phước chia sẻ.

MỚI - NÓNG