Ukraine dùng vũ lực chiếm lại miền đông

 Lực lượng cảnh sát Ukraine. Ảnh: Itar-Tass
Lực lượng cảnh sát Ukraine. Ảnh: Itar-Tass
TP - Quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraine hôm 13/4 thông báo các lực lượng đặc biệt của Ukraine đã được đưa tới thành phố Slavyansk ở miền đông để thực hiện chiến dịch “chống khủng bố”, nhằm giành lại trụ sở chính quyền đang bị chiếm đóng.

Hãng tin BBC đưa tin, một sĩ quan an ninh Ukraine thiệt mạng trong một cuộc đọ súng ở thành phố Slavyansk; cả phía quân chính phủ và các tay súng ủng hộ Nga đều có người bị thương. Đêm 13/4, có báo cáo nói rằng, chiến dịch “chống khủng bố” của Ukraine đã tạm dừng.

Hãng tin Reuters chiều 13/4 đưa tin, hai máy bay quân sự bay trên hai trụ sở cảnh sát bị các tay súng chiếm giữ. Trang tin địa phương Novosti Donbass nói quân chính phủ đã hạ hai hàng rào do người nổi dậy dựng lên trước lối vào Slavyansk, nhưng thông tin này chưa được kiểm chứng.

Quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov khuyến cáo người dân “không nên rời khỏi trung tâm thành phố, không ra khỏi nhà và không đứng gần cửa sổ”. Ông Avakov viết trên Facebook rằng, nhóm người chiếm hai tòa nhà ở Slavyansk đã nổ súng khi quân đội tiến gần, đồng thời cho rằng tình trạng bất ổn ở đây là “do người Nga”.

Tuy nhiên, theo hãng tin AP, không có dấu hiệu cho thấy xảy ra nổ súng ở đồn cảnh sát đang được quây bởi rào chắn. Những tay súng ngụy trang đang canh giữ tại điểm ra vào trên đường chính dẫn vào thành phố và không cho ai vào. Vì thế, thông tin về việc nổ súng bên trong Slavyansk vẫn chưa được kiểm chứng.

Thị trưởng thành phố Slavyansk trước đó nói rằng, nhóm người đang chiếm đồn cảnh sát đòi tổ chức trưng cầu dân ý và có thể sẽ gia nhập Nga. Người biểu tình ở các thành phố miền đông khác cũng đưa ra yêu cầu tương tự, sau khi cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea vào tháng trước dẫn tới kết quả người dân bỏ phiếu chọn tách khỏi Ukraine.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon vừa phát biểu rằng, ông lo ngại sâu sắc về tình hình ngày càng xấu đi ở miền đông Ukraine và “nguy cơ xung đột bạo lực ngày càng tăng”. Ngày 13/4, Tổng Thư ký NATO Anders Rasmussen kêu gọi Nga rút binh sĩ khỏi khu vực quanh biên giới Ukraine

Quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraine nói rằng, đã có cuộc tấn công vào đồn cảnh sát ở thành phố Kramatorsk gần đó. Một đoạn phim được đăng tải trên trang tin Kramatorsk.info cho thấy một nhóm người ngụy trang mang súng tự động xông vào tòa nhà. Trang tin này nói rằng, những người ủng hộ thành lập Cộng hòa Nhân dân Donetsk ly khai đã chiếm tòa nhà chính quyền, dựng hàng rào bao quanh bằng lốp xe và cắm cờ Nga.

Trang tin OstroV viết rằng, ba tòa nhà chính quyền quan trọng nhất ở thành phố Enakiyeve cũng đã bị chiếm đóng. Tại thành phố Donetsk, một số nhân chứng cho hay, những người xông vào trụ sở cảnh sát mặc đồng phục của Berkut - lực lượng cảnh sát chống bạo động bị giải tán hồi tháng 2 sau khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ.

Kiev bất lực

Cảnh sát Ukraine đến nay vẫn tỏ ra không có khả năng kiểm soát tình hình và chưa rõ liệu các lực lượng an ninh địa phương có còn tuân thủ mệnh lệnh từ Kiev hay không. Cảnh sát trưởng vùng Donesk (bao gồm Slavyansk) đã từ chức sau khi bị người biểu tình chiếm trụ sở.

Tình trạng bất ổn ở Slavyansk và các khu vực xung quanh ngày càng tăng ở miền đông Ukraine, nơi có phần đông dân số nói tiếng Nga và cũng là nơi ủng hộ mạnh mẽ đối với ông Yanukovych. Những người gốc Nga ở miền đông đang sợ rằng chính quyền mới thân phương Tây sẽ đàn áp họ.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry “bày tỏ lo ngại mạnh mẽ” rằng, những cuộc tấn công “được chỉ đạo và dàn dựng giống như những vụ tấn công trước đó ở miền đông Ukraine và Crimea”, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo. Ông Kerry “nói rõ ràng rằng nếu Nga không có những bước đi nhằm xuống thang ở miền đông Ukraine và di chuyển quân đội khỏi biên giới Ukraine thì sẽ phải gánh chịu thêm hậu quả”, thông báo viết.

Ông Lavrov bác bỏ những lời lẽ của ông Kerry và cho rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay là do sự thất bại của chính quyền Ukraine vì “không tính đến nhu cầu và lợi ích hợp pháp của cộng đồng người Nga và người nói tiếng Nga”.

Theo một số nhà quan sát, tình hình tại miền đông Ukraine hiện nay sẽ giúp Nga có lợi thế trong cuộc gặp vào thứ Năm tuần này với đại diện của Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu. Nga được cho là sẽ kêu gọi Ukraine sửa đổi hiến pháp để trao quyền tự trị lớn hơn cho khu vực miền đông, điều mà Kiev và các đồng minh phương Tây bác bỏ.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Kiev ngày 22/4, trở thành quan chức cao cấp nhất của Mỹ thăm Ukraine từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra.

MỚI - NÓNG