Uỷ ban An ninh quốc gia thuộc nội các của Thủ tướng Úc Scott Morrison đã đề nghị Bộ Quốc phòng tư vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton cho biết như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Sydney Morning Herald hôm 2/5.
Khi được hỏi liệu chính phủ có cân nhắc việc buộc công ty Trung Quốc thoái vốn hay không, ông Dutton nói rằng giới chức sẽ tính toán dựa trên lợi ích quốc gia.
Bước đi này chắc chắn sẽ làm xấu hơn nữa quan hệ giữa Úc với đối tác thương mại lớn nhất. Quan hệ Úc – Trung Quốc gần như lao dốc không phanh từ năm ngoái, khi Canberra lên tiếng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập để làm rõ nguồn gốc virus gây ra đại dịch COVID-19. Kể từ đó, Trung Quốc thực hiện hàng loạt hành động thương mại nhằm vào hàng hoá của Úc, trong đó có than, rượu vang và lúa mạch.
Năm 2015, chính quyền Vùng lãnh thổ phía bắc của Úc ký hợp đồng cho công ty Landbridge Group của Trung Quốc thuê cảng Darwin trong 99 năm với giá 506 triệu AUD. Các chuyên gia an ninh chỉ trích gay gắt quyết định này. Hợp đồng được ký sau 4 năm Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đó ký thoả thuận đưa 2.500 lính thuỷ quân lục chiến đến Darwin, cảng biển cửa ngõ của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Tháng 12/2015, Bộ Quốc phòng Úc gạt bỏ những lo ngại rằng thoả thuận này có thể làm suy yếu an ninh quốc gia sau khi Mỹ lên tiếng chất vấn. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Dennis Richardson hồi đó nói rằng quân đội nước này có thể bảo đảm quyền tiếp cận cảng. Ông cho rằng Trung Quốc không có cơ hội theo dõi những trao đổi giữa Mỹ với Úc vì các tàu hải quân im lặng khi ở bất kỳ cảng thương mại nào.
Đầu năm 2015, ông Obama đã nêu quan ngại với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hồi đó tại một diễn đàn khu vực.
Tháng trước, Trung Quốc chỉ trích Úc đã dùng luật mới để huỷ 2 thoả thuận thuộc khuôn khổ sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc với chính quyền bang Victoria. Đang có suy đoán rằng Thủ tướng Morrison cũng sẽ dùng luật này để huỷ hợp đồng thuê của các công ty Trung Quốc tại cảng biển ở Darwin và Newcastle.