Chiều 22/3, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức họp báo thông tin về tình hình hoạt động của đơn vị, trong đó có câu chuyện tuyển sinh năm 2017.
Phó Tổng Cục trưởng Cao Văn Sâm cho biết, từ năm 2017, lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp được chuyển về cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý. Vì vậy, năm nay, bộ trao cho các trường thực hiện công tác tuyển sinh mang tính linh hoạt, cởi mở trên cơ sở tự chủ của các trường. Theo đó, các trường được quyền lựa chọn số lượng, hình thức, thời gian tuyển…
Riêng với người học trung cấp nghề chỉ cần tốt nghiệp trung học cở sở, nên năm nay sẽ được lựa chọn đồng thời học thêm bổ túc văn hóa, hoặc chỉ học mình nghề (thay vì bắt buộc phải học cả nghề và bổ túc văn hóa như trước).
Nếu người học chọn chỉ học nghề ra trường sẽ có chứng chỉ nghề. Nếu học sinh chọn học nghề và bổ túc văn hóa, ra trường sẽ có cả bằng nghề và bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa, đủ điều kiện để học liên thông lên cao đẳng, đại học.
Về việc các trường đại học đang “vớt” hết học sinh của các trường nghề, đặc biệt khi điểm sàn đại học giảm, theo ông Sâm, đây là thực tế, các trường sẽ phải cạnh tranh để tuyển đầu vào. Khi đó, chất lượng đào tạo sẽ quyết định tới lựa chọn của người học.
Điều này do việc phân luồng học sinh thời gian qua chưa tốt. Vì vậy, thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ bổ sung thêm quy định các lĩnh vực lao động phải có kỹ năng nghề (hiện mới có 12 nghề có quy định này).
Khi đó học sinh sẽ phải lựa chọn học nghề để sau này có việc làm, thay vì làm lao động phổ thông như hiện nay. Đặc biệt, ông Sâm cho rằng, Chính phủ cần có chỉ đạo xây dựng hạn ngạch đào tạo trong các trình độ, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Khi có hạn ngạch tuyển sinh các trình độ từ tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, tới trung cấp… các trường sẽ chỉ được đào tạo theo hạn ngạch nhất định, không phải ai cũng có thể học đại học như hiện nay.
Dù thực hiện chuyển đổi chức năng quản lý nhà nước, nhưng đại diện Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, các trường sẽ không có xáo trộn gì nhiều, chức năng quản lý trực tiếp vẫn thuộc cơ quan chủ quản (địa phương hoặc bộ ngành).
Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp cùng Bộ GD&ĐT xây dựng khung trình độ giáo dục quốc gia, giúp liên thông giữa các trình độ đào tạo với nhau.
Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, năm 2016, chỉ tiêu tuyển sinh dạy nghề (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) khoảng 2,2 triệu học sinh, thực tế tuyển sinh đạt 92%. Năm 2017, cơ quan này tiếp tục đặt kỳ vọng tuyển sinh đạt 2,2 triệu người học.