Trước thềm kỳ thi THPT quốc gia năm nay, hiện tượng khối tự nhiên lẫn át khối xã hội thu hút sự chú ý của báo chí và dư luận. Theo đó, nhiều trường thay đổi tổ hợp xét tuyển. Cụ thể, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thêm môn Lý vào tổ hợp bài thi hay các trường công an nhân dân bỏ xét tuyển khối C khiến học sinh ngỡ ngàng.
Thách thức lớn cho học sinh
Thay đổi này từ các trường cũng khiến phần lớn học sinh lớp 12 thiên về chọn các môn khoa học tự nhiên (KHTN) để rộng đường xét tuyển lên đại học. Cá biệt có trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM) có 420 học sinh lớp 12 thì có đến 90% học sinh chọn các môn tổ hợp KHTN, trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP HCM) có 92% và trường Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) có 81%. Ở Hà Nội, chưa có con số khảo sát chính thức nhưng việc các trường đại học nghiêng xét tuyển về tổ hợp KHTN là rất rõ rệt.
Năm nay, theo khảo sát của báo chí ở TP HCM, ngoài ba bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và ngoại ngữ thì với bài thi tự chọn, phần lớn học sinh chọn tổ hợp KHTN gồm ba môn là Vật lí – Hóa học - Sinh học hơn KHXH gồm Sử - Địa - Giáo dục công dân. Thậm chí, ở trường THPT Lương Thế Vinh, có trường hợp cả lớp đều chọn KHTN vì “tập trung học Vật lí và Hóa học từ năm học trước”.
Bên cạnh đó, năm nay các môn xã hội như Sử, Địa và Giáo dục công dân đều thi trắc nghiệm nên sẽ rất khó giành điểm cao với lượng kiến thức rộng.
Trước thay đổi của cơ chế thi, không ít học sinh đứng trước những khó khăn và áp lực. Thậm chí, việc bỏ khối C ở một số trường vốn thiên về khối C (như ngành công an) là một cú sốc đối với học sinh và phụ huynh. Hiện nay, hầu hết các trường đều tổ chức cho học sinh tăng tốc vừa học vừa ôn tập. Khối lượng kiến thức buộc học sinh phải sắp xếp thời gian hợp lý, đảm bảo sức khỏe và hiệu quả.
Phụ huynh lo lắng bên ngoài trường thi trong kì thi THPT Quốc gia năm 2016.
Gợi ý chiến lược ôn tập hiệu quả
Trước thách thức này, thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên môn Sinh học trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, đưa ra lời khuyên cho học sinh: “Dù có bất cứ thay đổi gì, học sinh cũng nên tâm niệm rằng việc chuẩn bị nền tảng kiến thức vững vàng, ôn luyện toàn diện kèm theo luyện nhuần nhuyễn các dạng bài và kỹ năng kiểm soát thời gian trong phòng thi sẽ mang lại kết quả tốt”.
Theo thầy Công, học sinh nên có kế hoạch học tập khoa học, có thể áp dụng lộ trình học tập được chia thành 4 giai đoạn với các mục tiêu rõ ràng như sau để việc ôn luyện được chủ động: Giai đoạn 1 - Xây vững nền tảng; Giai đoạn 2 - Ôn luyện toàn diện; Giai đoạn 3 - Luyện mọi dạng bài và Giai đoạn 4 - Ôn luyện chọn lọc.
Cùng quan điểm này, thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên đội tuyển học sinh giỏi Toán trường THPT Chu Văn An, nhận định: “Kiến thức cơ bản có vai trò rất quan trọng bởi 60% câu hỏi trong đề thi chỉ yêu cầu nắm vững kiến thức cơ bản theo sách giáo khoa (SGK) và các kiến thức này cũng là nền tảng để xử lý tốt các dạng bài đòi hỏi cao hơn. Muốn vậy, học sinh nên sớm lựa chọn được ngành học yêu thích và trường đại học mục tiêu.
Việc nắm vững kiến thức nền giúp các em học sinh bước vào các giai đoạn ôn luyện tiếp theo cực kỳ nhàn. Hãy tập trung ôn luyện toàn diện theo chuyên đề để đào sâu vào các kiến thức thuộc chuyên đề khó. Song song đó, các em cần luyện mọi dạng bài và mọi dạng đề thi để nhanh chóng thành thục kỹ năng làm bài và giải đề. Đến lúc này, nếu chăm chỉ nỗ lực, các em đã có thể đạt điểm khá kỳ thi THPT quốc gia rồi.”
“Trước kỳ thi 2 tháng, các em hãy tập trung vào hệ thống lại toàn bộ kiến thức đã học, ôn luyện các kiến thức trọng tâm. Đặc biệt, hãy rèn luyện ngay cho mình các kỹ năng, phương pháp giải nhanh cộng với chiến thuật và tâm lý phòng thi, các em sẽ tối ưu hóa được điểm số của mong muốn của mình”, thầy Nguyễn Thành Công nói thêm.
Cuối cùng, các bạn học sinh cần nhớ năm nay nội dung đề thi đều nằm trong chương trình lớp 12, từ năm 2018 sẽ bao gồm lớp 11. Vì vậy, các bạn thí sinh của năm sau hãy bắt tay vào việc xây dựng kiến thức nền tảng 11 ngay từ bây giờ để đạt được kết quả tốt nhất.