Tuyển sinh cao đẳng, trung cấp giảm mạnh trong năm qua do COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hết năm 2021, các trường nghề trên cả nước chỉ tuyển sinh được gần 66% chỉ tiêu, tập trung các ngành máy tính, công nghệ thông tin, kỹ thuật, du lịch... Điều này được lý giải do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, năm 2021, hệ thống các trường nghề cả nước tuyển sinh được hơn 1,9 triệu người học, đạt 85% kế hoạch cả năm. Trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp tuyển sinh được trên 375.000 người, đạt 65,8% kế hoạch. Một số ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt như máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, du lịch...

Nguyên nhân việc tuyển sinh dạy nghề đạt thấp hơn kế hoạch, lãnh đạo Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết, do năm vừa qua ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các hoạt động tuyển sinh trực tiếp không thực hiện được, chủ yếu trực tuyến. Bên cạnh đó, người học cũng khó tới trường, việc thực hành tại doanh nghiệp khó thực hiện...

Tuyển sinh cao đẳng, trung cấp giảm mạnh trong năm qua do COVID-19 ảnh 1
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu đào tạo nghề sớm bắt kịp tiêu chuẩn của thế giới.

Năm 2022, các trường nghề đặt mục tiêu tuyển sinh tăng 10% so với năm 2021, đa dạng hình thức đào tạo. Trong đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ đẩy nhanh triển khai đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn; tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho người lao động..

Năm 2021, cả nước giảm 8 trường nghề công lập (trong đó có 3 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp), hiện cả nước chỉ còn 1.904 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Định hướng năm nay số lượng trường nghề sẽ tiếp tục giảm thêm 27 trường.

Sáng 18/1, tại Hội nghị tổng kết năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, nước ta đang ở thời kỳ cuối của dân số vàng. Nếu không chớp thời cơ sẽ mất cơ hội trong nâng cao kỹ năng nghề, không đáp ứng được nhu cầu xã hội và đổi mới giáo dục nghề nghiệp.

Do đó, ông Dung yêu cầu, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện thể chế, quy hoạch hệ thống trường nghề, chuyển đổi số. Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên để nâng cao chất lượng dạy và học nghề, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường. Đa dạng hóa phương thức đào tạo, tập trung đào tạo mới và đào tạo lại lao động theo tiêu chuẩn quốc tế.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.