Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021: Lúng túng trước 'ma trận'

0:00 / 0:00
0:00
Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021: Lúng túng trước 'ma trận'
TP - Thí sinh không đọc kỹ đề án tuyển sinh của trường, giáo viên không nắm được thông tin ngành nghề. Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thí sinh gặp khó khăn, lúng túng khi đăng ký tuyển sinh tại các trường có nhiều phương án xét tuyển.

Thiếu thông tin

Là người đi khắp các địa phương để tư vấn tuyển sinh, PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nhận thấy nhiều thí sinh thiếu thông tin về tuyển sinh của các trường vì không chịu lên website của trường tìm hiểu. Nhưng nhiều thí sinh vẫn chưa hiểu được cách thức xét tuyển ĐH nên đăng ký quá ít hoặc quá nhiều nguyện vọng. Một số thí sinh còn chưa nắm chắc quy tắc xét tuyển các nguyện vọng của các trường.

Ví dụ, có thí sinh thắc mắc, cùng một ngành, nguyện vọng 3 của thí sinh này có bình đẳng với nguyện vọng 1 của thí sinh khác hay không? “Thí sinh khờ lắm, chỉ đăng ký mà không cần quan tâm học phí của mỗi trường khác nhau thế nào, không biết năm nay mỗi trường có nhiều phương thức tuyển sinh nên chỉ tiêu dành cho xét kết quả thi tốt nghiệp sẽ giảm xuống, đồng nghĩa với việc điểm chuẩn sẽ tăng lên”, ông Dũng nói.

Ông nhắc lại nguyên tắc trong lần xét tuyển đầu tiên, các trường sẽ xét tất nguyện vọng của thí sinh vào một ngành nào đó dựa vào điểm, không dựa vào thứ tự nguyện vọng thí sinh đăng ký. Ông Dũng còn chia sẻ bí quyết đăng ký xét tuyển vào những ngành gần, ngành mới mở thường dễ trúng tuyển hơn. Ví dụ, ngành công nghệ thông tin đang được nhiều thí sinh chọn nên điểm chuẩn thường rất cao, trong khi những ngành gần thuộc nhóm ngành công nghệ thông tin như khoa học dữ liệu, thương mại điện tử, kỹ thuật phần mềm… có điểm chuẩn thấp hơn 1-2 điểm. Thị trường lao động có nhu cầu cao đối với những ngành này.

Các chuyên gia khuyên thí sinh phải đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học, cần lưu ý các tiêu chí phụ để có thể giảm thiểu rủi ro khi đăng ký xét tuyển hoặc thay đổi nguyện vọng.

Theo ông Dũng, một khó khăn đối với thí sinh khi tham gia xét tuyển sinh là chính các giáo viên giảng dạy ở trên lớp không nắm được thông tin về ngành nghề, không phân biệt được sự khác nhau giữa các ngành để tư vấn cho các em.

Ðừng chết vì tiêu chí phụ

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó trưởng Ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, khuyên thí sinh nên đọc kỹ đề án tuyển sinh đăng trên web trường. Năm 2019, năm 2020 có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng không để ý tiêu chí phụ là điểm học bạ nên trượt nguyện vọng 1. Liên quan tuyển thẳng, ông Thảo nhắn nhủ thí sinh có giải nhì học sinh giỏi quốc gia trở xuống vẫn nên thi thật tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì đôi khi đây là tiêu chí phụ quan trọng để chiếm ưu thế so với người cùng giải.

Công an, quân đội là hai khối ngành đặc thù nên điều kiện xét tuyển sinh cũng rất đặc biệt. Đại tá Nguyễn Bá Thảo, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng), cho hay, năm 2021, trường xét tuyển bằng hai tổ hợp Toán, Lý, Hóa (A00) và Toán, Lý, tiếng Anh (A01). Với cả hai tổ hợp này môn Toán đều được ưu tiên số một. Với những thí sinh có điểm Toán bằng nhau, trường sẽ xét tiếp môn Lý.

Đại tá Vũ Hồng Khanh, Trưởng Phòng đào tạo, Học viện Biên phòng (Bộ Quốc phòng), thông tin, ngoài các quy định chung của Bộ GD&ĐT, khối ngành quân đội, công an sẽ xét lý lịch và yêu cầu khám sức khỏe sơ tuyển. Khi trúng tuyển, trường sẽ khám sức khỏe lần nữa, nếu thí sinh không đủ tiêu chuẩn vẫn có thể bị loại.

Khối ngành an ninh cũng yêu cầu thí sinh phải sơ tuyển trước khi xét tuyển nên thí sinh phải đọc kỹ đề án tuyển sinh, đồng thời nắm được thời gian diễn ra sơ tuyển để nộp hồ sơ kịp thời. Với hai ngành này, chuyên gia đặc biệt lưu ý, thí sinh vẫn phải đăng ký thi và xét tuyển sinh theo hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Các trường công an, quân đội chỉ xét tuyển thí sinh có nguyện vọng 1 vào trường. Bộ Quốc phòng chỉ cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trong cùng nhóm trường (có 2 nhóm trường được quy định).

Anh Nguyễn Văn Lâm, ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết từ đầu tháng 2, hai bố con rất quan tâm đến phương án tuyển sinh của các trường: ĐH Luật Hà Nội, ĐH Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân. Hai bố con băn khoăn khi đọc phương án tuyển sinh của các trường vì khó hiểu. Do thông tin phương án của trường ĐH Luật Hà Nội chưa rõ ràng, anh Lâm gọi điện đến trường để hỏi cụ thể thì nhận được câu trả lời: khi nào Bộ GD&ĐT công bố quy chế tuyển sinh, trường sẽ có lịch xét tuyển. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có đến 5-6 đối tượng trong một phương án xét tuyển, chỉ đọc thôi mà anh chóng mặt.

MỚI - NÓNG