Tuyên chiến tin nhắn rác: Nhà mạng kêu khó, Sở nói làm được

Tin nhắn yêu cầu gọi vào đầu số 1900xxx là một trong ba dạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo phổ biến nhất hiện nay. Ảnh: Nguyễn Hoài.
Tin nhắn yêu cầu gọi vào đầu số 1900xxx là một trong ba dạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo phổ biến nhất hiện nay. Ảnh: Nguyễn Hoài.
TP - Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội chiều qua tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 82 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Thanh tra Sở nói tại hội nghị: “Nhà mạng nào cũng báo cáo có giải pháp nhưng tin nhắn rác chưa giảm. Chúng tôi có cơ sở để biết nhà mạng nào thực sự làm. Mobifone tương đối chặt chẽ, Vinaphone nên xem lại”.

Mobifone tương đối chặt chẽ, Vinaphone nên xem lại

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội nói, gần 7 năm kể từ khi có Nghị định 90 về phòng chống tin nhắn rác (2008) đây vẫn là vấn đề rất bức xúc trong dư luận, tác động trực tiếp đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, mỗi ngày thêm phức tạp.

Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc Mobifone cho biết, sau khi nhận được chỉ thị của Bộ trưởng, Mobifone đã thực hiện sáu yêu cầu. Với yêu cầu xây dựng hệ thống kỹ thuật có khả năng ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo theo tần suất, nguồn gửi và từ khóa trong nội dung, Mobifone chưa làm được việc ngăn chặn theo từ khóa.

Nói về khó khăn, ông Chiến nêu mấy vấn đề, khó khăn trong định nghĩa tin nhắn rác “cùng là nội dung mua bán bất động sản, vợ tôi gửi cho tôi thì không phải tin nhắn rác nhưng nếu của một người không quen biết thì là tin rác”, ông Chiến nói. Cái khó nữa là yêu cầu thu hồi ngay thuê bao phát tán tin nhắn rác vì việc cắt số tương đối phức tạp. Ngoài ra chỉ chặn được tin nhắn nội bộ. Nếu xuất phát từ Vinaphone hay Viettel thì hai nhà mạng này phải chặn.

Với nhà mạng Viettel, không có ai hồi đáp khi được mời lên phát biểu. Nhà mạng Vinaphone cho biết đã ban hành quy trình ngăn chặn tin rác vào năm 2011 và 2013. Nhà mạng này cũng nêu cái khó  là ngăn chặn tin nhắn rác ngoại mạng. Vietnammobile cho biết chưa xây dựng biện pháp kỹ thuật ngăn chặn tin nhắn rác nhưng sẽ thực hiện trong năm nay. Đại diện Gtel nói “cái khó bây giờ là chưa có định nghĩa rõ ràng về tin nhắn rác, mình không định nghĩa rõ ràng thì không thể giải quyết tận gốc, các biện pháp chỉ là tình thế”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông phản biện, “Tôi thấy doanh nghiệp nào cũng báo cáo có giải pháp nhưng tin nhắn rác chưa giảm. Tôi dùng ba số thuê bao để xem nhà mạng nào nhiều tin nhắn rác nhất. Trên kết quả thanh tra năm 2013, 2014 và dựa vào thông tin người bị thanh tra khai báo, chúng tôi biết doanh nghiệp nào làm hiệu quả. Mobifone tương đối chặt chẽ. Vinaphone nên xem lại”. Ông Minh nói thêm “trước đây khi bắt đầu ngăn chặn tin rác, một số công ty, ngay cả nhà mạng do thuê bao bị chặn nhiều nên có ý kiến”.

Theo ông Xuân Trụ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, không phải không có định nghĩa rõ ràng về tin nhắn rác: “Bản thân tôi đã ký văn bản rất đầy đủ, chi tiết đến các anh  chị để xác định thế nào là tin nhắn rác. Nhà mạng nên nghiên cứu lại, và rõ ràng mỗi người chúng ta điều biết rõ thế nào là tin nhắn rác vì hằng ngày đều nhận được. Tôi đề nghị các doanh nghiệp phải làm thật chứ báo cáo bây giờ nhiều lắm”.

Thiết lập đường dây nóng

Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng phòng viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, muốn hạn chế tin nhắn rác thì phải cắt số điện thoại liên hệ trong tin nhắn rác. Đó mới là nguồn phát tán tin nhắn rác. “Có anh Trụ ở đây, chúng tôi xin ý kiến cho phép cắt số liên hệ trong tin nhắn rác. Nếu anh đồng ý, Sở sẽ làm ngay”, ông Sỹ nói.

Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, sẽ thiết lập một đường dây nóng để người dân phản hồi về tin nhắn rác. Cũng theo bà Tú, thời gian tới Hà Nội yêu cầu nhà mạng phải hoàn thiện các  biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo trước ngày 31/3.

MỚI - NÓNG