Một ngày nhận 16 tin nhắn rác
Chị Lê Thu Hoa ở Hoàng Mai, Hà Nội kể, thường xuyên bị làm phiền bởi tin nhắn rác, đủ các thể loại từ các số thuê bao và các đầu số dịch vụ, từ tin nhắn quảng cáo bán sim, bán chăn ga gối đệm đến tin nhắn rao bán bất động sản rồi tin nhắn dạng như “bạn nhận được một lời yêu thương từ một người tên A kèm bài hát… gọi lại vào đầu số 19003427 để nghe và cảm nhận”. Chị Hoa kể, tin nhắn rác làm phiền cả ngày, lúc ngủ trưa, ngủ tối, ăn cơm, họp với đối tác, có ngày tới 16 tin.
Để giảm phiền phức chị Hoa phải nhờ chồng cài giúp phần mềm chặn tin nhắn rác.
Theo tổng kết của Công ty an ninh mạng Bkav về tình hình an ninh mạng năm 2014, có 43% người dùng điện thoại rơi vào tình trạng như chị Hoa, tức là bị làm phiền hàng ngày bởi tin nhắn rác. Con số này gần gấp đôi năm 2013. 90% người dùng thường xuyên bị làm phiền bởi tin nhắn rác. Theo nhận định của Bkav, phát tán tin nhắn rác thực sự đã trở thành một ngành công nghiệp đen. Bên cạnh tin nhắn rác, người sử dụng cũng phải đối mặt với nguy cơ bị mã độc “móc túi” hằng ngày, ước tính số tiền thiệt hại do mã độc gửi tin nhắn đến đầu số thu phí lên tới 3,9 tỷ đồng mỗi ngày.
Phải mạnh tay với nhà mạng
Một chuyên gia giấu tên cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc khó ngăn chặn tin nhắn rác và hầu hết đều liên quan đến trách nhiệm của các nhà mạng.
Một trong những nguyên nhân là tỷ lệ ăn chia không hợp lý giữa nhà mạng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung (gọi tắt là CP). Trên thế giới, nhà mạng chỉ hưởng 10 - 30% doanh thu trong khi ở Việt Nam, nhà mạng hưởng từ 40 - 60%. Giữa tháng 7/2014, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) và Công an quận Đống Đa (Hà Nội) triệt phá nhóm đối tượng sử dụng thiết bị điện tử công nghệ cao kết nối mạng internet phát tán tin nhắn lừa đảo, chiếm đoạt 22 tỷ đồng từ người dùng điện thoại. Trong số này, nhà mạng hưởng tỷ lệ 55%.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho hay, tỷ lệ ăn chia giữa nhà mạng và các doanh nghiệp CP đúng là có bất cập trong thời gian qua. Chính sự bất cập này khiến các CP không sử dụng đầu số dành cho dịch vụ nội dung mà dùng sim rác để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là việc quản lý sim rác. “Việc quản lý sim rác cũng là trách nhiệm của nhà mạng”, vị chuyên gia nói. Năm 2013, kết quả thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy dù Thông tư 04 về quản lý thông tin thuê bao di động trả trước có hiệu lực từ 1/6/2012 nhưng doanh nghiệp và các đại lý sử dụng nhiều chiêu lách luật. 88% các chi nhánh của doanh nghiệp, 90% các điểm đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước có sai phạm khi Bộ Thông tin và Truyền thông thanh tra các doanh nghiệp và 29.377 điểm đăng ký thuê bao di động.
Tình trạng dùng một ảnh chứng minh thư để đăng ký nhiều sim sinh viên cũng diễn ra phổ biến. Ví như tài khoản 1284725158 của nhà mạng MobiFone từ ngày 1/6/2012-30/6/2013, đã đăng ký thông tin cho 18.035 thuê bao sinh viên. Hàng loạt thuê bao có thông tin cá nhân giống nhau được đăng ký cùng ngày. “Muốn hạn chế tình trạng tin nhắn rác nhức nhối như hiện nay thì cơ quan chức năng trước hết phải mạnh tay với nhà mạng”, chuyên gia nói.
Để ngăn chặn tình trạng tin nhắn rác, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 90 về chống thư rác và Nghị định 77 sửa đổi, bổ sung một số điều về chống thư rác. Mới nhất, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son ban hành chỉ thị số 82 về ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng trong đó yêu cầu nhiều đơn vị, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai công việc cụ thể để ngăn chặn tin nhắn rác. Cao nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự với các tổ chức, cá nhân phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Tuy nhiên, tin nhắn rác vẫn liên tục hoành hành người dùng.
Post by Báo Tiền Phong.