Tuyên bố tình trạng khẩn cấp, WHO dốc sức đối phó Zika

Zika đang lây lan chóng mặt ở châu Mỹ và được cho là gây teo não dẫn tới chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Ảnh: Getty Images
Zika đang lây lan chóng mặt ở châu Mỹ và được cho là gây teo não dẫn tới chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Ảnh: Getty Images
TP - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua cho biết họ đang dốc sức đối phó Zika bùng phát ở Mỹ Latin, khi virus liên quan bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh này có nguy cơ lan sang châu Á và châu Phi - những nơi có tỷ lệ sinh cao nhất thế giới.

Ông Anthony Costello, một chuyên gia của WHO, hôm qua nói rằng, tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc này đang soạn thảo hướng dẫn cho phụ nữ mang thai và tập hợp các chuyên gia để đưa ra định nghĩa bệnh đầu nhỏ, trong đó có kích thước chuẩn đối với đầu các em bé.

Về mối quan hệ giữa virus Zika và bệnh đầu nhỏ, ông Costello nói: “Chúng tôi tin mối liên hệ này là có cho đến khi có bằng chứng khác”. Chuyên gia này cho rằng, cần sự nỗ lực lớn của cả cộng đồng ở những khu vực có muỗi mang virus Zika, nhanh chóng phát triển công cụ chẩn đoán, trong khi phải đợi vài năm nữa mới có vắc-xin.

WHO hôm 1/2 thông báo, tình trạng tăng đột ngột những ca dị tật đầu bẩm sinh ở Nam Mỹ gây nên tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Tổ chức này đang chịu áp lực phải đối phó Zika, sau khi bị chỉ trích đã chậm trễ trong đợt dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi hồi năm ngoái. Theo Tổng giám đốc WHO Margaret Chan, cuộc họp của các chuyên gia y tế toàn cầu đã nhất trí rằng “họ rất nghi ngờ quan hệ nhân quả giữa sự lây nhiễm Zika trong thời kỳ mang thai và bệnh đầu nhỏ, cho dù khoa học chưa chứng minh”.

Bùng phát hai bệnh dính dáng Zika

WHO trước đó cảnh báo virus Zika có thể “lây truyền với cấp số nhân” ở châu Mỹ, và khu vực này có thể có 4 triệu ca lây nhiễm chỉ trong 1 năm. Ông David Heymann, chủ tịch cuộc họp khẩn cấp của WHO hôm 1/2, cho rằng, cần khẩn trương xác định bằng phương pháp khoa học xem liệu bệnh đầu nhỏ và hội chứng Guillain Barre có phải do virus Zika gây ra hay không, nhưng ông cũng thừa nhận việc này “cần thời gian”.

Trong khi đó, chính quyền Colombia, Ecuador, El Salvador, Jamaica và Puerto Rico đã khuyến cáo phụ nữ hoãn mang bầu cho đến khi dịch Zika được kiểm soát. Colombia đã báo cáo hơn 20.000 trường hợp nhiễm Zika, trong đó có 2.100 phụ nữ mang thai. Nước này cũng vừa cảnh báo nguy cơ bùng phát số người bị Guillain Barre - hội chứng rối loạn hệ thống miễn dịch ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. “Chúng tôi phát hiện cứ 1.000 bệnh nhân Zika thì có 2,3 trường hợp bị Guillain Barre. Tỷ lệ đó khá cao”, Bộ trưởng Y tế Colombia Alejandro Gaviria phát biểu trên đài phát thanh nước này. Colombia dự đoán sẽ có khoảng 657.000 trường hợp Zika và khoảng 1.500 ca Guillain Barre trong mùa dịch này.

Tổng giám đốc WHO nói rằng, cần triển khai ngay các biện pháp kiểm soát Zika lây lan, như xử lý hết những nguồn nước tù đọng để muỗi không còn nơi đẻ trứng; sử dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân khỏi bị muỗi đốt như dùng thuốc đuổi muỗi hay mắc màn khi ngủ… WHO vẫn chưa đưa ra cảnh báo đi lại toàn cầu, nhưng bà Margaret Chan ngụ ý rằng, phụ nữ mang thai có thể muốn tránh đến những vùng có Zika.

Trong khi đó, Sở Y tế bang New South Wales (Úc) vừa xác nhận hai trường hợp mang virus Zika ở Úc trong số những hành khách từ vùng Caribbe trở về thành phố Sydney. Tuy nhiên, cơ quan này nói rằng, virus Zika không gây nguy hiểm nghiêm trọng đối với Úc, đồng thời cho biết, một số người dân ở New South Wales từng nhiễm virus này nhưng nay đã hồi phục.

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ vừa bổ sung American Samoa, Costa Rica, Curacao và Nicaragua vào danh sách cùng 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch Zika mà Mỹ khuyến cáo đi lại.

Đổi tên ô-tô vì virus

Nhà sản xuất ô-tô Ấn Độ Tata hôm qua cho biết, họ quyết định đổi tên dòng xe Zica của họ thành Zippy, sau khi WHO tuyên bố virus Zika trở thành vấn đề khẩn cấp toàn cầu.

MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.