Nhiều người Mỹ bất mãn với di sản của Tổng thống Biden

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Người Mỹ đi bỏ phiếu vào ngày 5/11 với tâm trạng bất mãn và chia rẽ, khi các cuộc thăm dò ý kiến ​​cho thấy gần 2/3 cử tri tin rằng đất nước đã đi sai hướng dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Nhiều người Mỹ bất mãn với di sản của Tổng thống Biden ảnh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AP)

Trong khi nền kinh tế Mỹ đã thoát khỏi giai đoạn COVID-19 với tăng trưởng việc làm và tăng lương mạnh mẽ, nhiều người dân nước này phàn nàn rằng những thành quả đó đã bị nuốt chửng bởi giá nhà và hàng tiêu dùng cao.

Lời hứa của Tổng thống Biden về việc thiết lập cơ chế nhập cư nhân đạo hơn so với thời chính quyền ông Trump đã sớm vấp phải thực tế là tình trạng vượt biên trái phép gia tăng.

Tòa án Tối cao đã lật ngược phán quyết Roe kiện Wade, làm bùng lên một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất trong nền chính trị Mỹ.

Và bất chấp cam kết của Tổng thống Biden rằng Mỹ sẽ đóng vai trò là lực lượng ổn định trên thế giới, các cuộc chiến tranh và xung đột lớn trên thế giới làm lu mờ nhiệm kỳ của ông.

Bất kỳ ai chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay - ông Trump hay Phó Tổng thống Kamala Harris - sẽ thừa hưởng di sản của chính quyền Biden. Dưới đây là cách ông Biden giải quyết những vấn đề quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Nhập cư

Ông Biden bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống bằng cách đảo ngược nhiều chính sách hạn chế nhập cư của chính quyền tiền nhiệm. Ông dừng việc xây dựng bức tường biên giới; hủy lệnh cấm nhắm vào người từ một số quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi và các quốc gia khác; và thu hẹp chương trình buộc những người xin tị nạn phải chờ đợi ở Mexico trong khi chờ thủ tục xét duyệt ở Mỹ.

Vài tháng sau khi ông nhậm chức, tình trạng vượt biên trái phép tăng vọt, đặc biệt là trẻ em không có người đi kèm từ Trung Mỹ, khiến các trung tâm xử lý người tị nạn ở biên giới bị quá tải.

Tình trạng vượt biên trái phép đã đạt mức kỷ lục vào các năm 2022 và 2023.

Trước tình trạng này, Thống đốc Texas Greg Abbott, một thành viên đảng Cộng hòa, đưa người di cư đến đến các thành phố của đảng Dân chủ như New York và Chicago, khiến những nơi này chật vật cung cấp chỗ ở cho họ.

Tháng 1 năm nay, Tổng thống Biden ủng hộ một dự luật lưỡng đảng nhằm thắt chặt an ninh biên giới. Sau khi dự luật bị bác bỏ tại Thượng viện vì ông Trump phản đối, Tổng thống Biden đã cấm tị nạn đối với hầu hết những người di cư vượt biên trái phép.

Số lượng người di cư bị bắt khi vượt biên trái phép đã giảm mạnh.

Bất chấp áp lực chính trị xung quanh vấn đề di cư, Tổng thống Biden đã mở ra những con đường hợp pháp mới cho hàng trăm nghìn người di cư và cho phép khôi phục chương trình tị nạn của Mỹ, tiếp nhận hơn 100.000 người tị nạn trong năm nay, mức cao nhất trong 30 năm.

Nhiều người Mỹ bất mãn với di sản của Tổng thống Biden ảnh 2

Một cuộc biểu tình ở Arizona để phản đối quyết định của Toà án Tối cao về lật ngược phán quyết Roe kiện Wade năm 2022. (Ảnh: AP)

Phá thai

Thay đổi lớn nhất về quyền phá thai trong nhiều thập kỷ đã diễn ra trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, nhưng là do quyết định của Tòa án Tối cao.

Tháng 6/2022, phe đa số bảo thủ mà ba thành viên trong đó được ông Trump bổ nhiệm đã xóa bỏ quyền phá thai liên bang trong gần 50 năm, dựa trên phán quyết Roe kiện Wade.

Quyết định này mở ra giai đoạn mà các bang đặt ra luật riêng của họ về quyền phá thai. Hơn chục bang cấm phá thai trong tất cả hoặc hầu hết trường hợp.

Tổng thống Biden lên án phán quyết của Tòa án Tối cao. Chính quyền của ông, thông qua Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và Bộ Tư pháp, đã đưa ra các hướng dẫn để đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ phá thai khẩn cấp và bảo vệ việc sử dụng thuốc phá thai.

Chính quyền cũng thúc đẩy việc mở rộng quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thông qua Đạo luật Chăm sóc giá cả phải chăng.

Kinh tế

Ông Biden có thể đi vào lịch sử với tư cách là người giám sát nền kinh tế tốt nhất theo cách mà mọi người đều ghét.

Kể từ năm 2021, khi nước Mỹ thoát khỏi đại dịch COVID-19, các nhà tuyển dụng đã tạo thêm gần 16,5 triệu việc làm mới. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình chỉ 4,2%.

Tăng trưởng GDP trung bình đạt 3,2% mỗi quý, cao hơn dự đoán của hầu hết các nhà kinh tế. Thu nhập và tiền lương cũng tăng trưởng tốt. Giá trị tài sản ròng của hộ gia đình Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 163,8 nghìn tỷ USD nhờ thị trường chứng khoán bùng nổ và giá nhà tăng.

Tuy nhiên, các cuộc khảo sát cho thấy ít người Mỹ hài lòng về những chỉ số này, bởi vì lạm phát tăng lên mức tồi tệ nhất trong một thế hệ.

Công lý chủng tộc

Trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh nhằm giải quyết nạn phân biệt chủng tộc, hành vi tàn bạo của cảnh sát, đói nghèo và bất bình đẳng mà người da đen và các cộng đồng da màu khác phải đối mặt.

Tuy nhiên, quá trình cải cách diễn ra chậm chạp. Đạo luật Công lý George Floyd nhằm ngăn chặn các hành vi lạm quyền của cảnh sát vì phân biệt chủng tộc đã bị kẹt ở Quốc hội.

Dù Bộ Tư pháp đã khôi phục các cuộc điều tra về hành vi vi phạm quyền công dân, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả rõ ràng nào để làm rõ những hành vi của cảnh sát vi phạm quyền công dân.

Về kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp của người da đen đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm ngoái. Trong năm nay, chính quyền chỉ đạo triển khai các khoản vay trị giá 1,5 tỷ USD cho doanh nghiệp do người da đen làm chủ.

Chính quyền cũng đã đầu tư hơn 16 tỷ USD vào các trường cao đẳng và đại học dành cho người da đen và hỗ trợ 2,2 tỷ USD cho hơn 43.000 nông dân da đen và những người khác bị phân biệt đối xử. Năm 2023, chính quyền Biden chi 470 triệu USD để cải thiện sức khỏe bà mẹ.

Nhiều người Mỹ bất mãn với di sản của Tổng thống Biden ảnh 3
Lính thuộc Lữ đoàn cơ giới số 24 của Ukraine đang lắp đặt mìn chống tăng và chướng ngại vật dọc theo tiền tuyến gần thị trấn Chasiv Yar thuộc vùng Donetsk, ngày 30/10/2024. (Ảnh: AP)

Đối ngoại

Từ xung đột ở Ukraine và Dải Gaza đến đổ máu ở Sudan, các cuộc xung đột ở nước ngoài đã chi phối chính sách đối ngoại của chính quyền Biden.

Tổng thống Biden nhậm chức với lời hứa khôi phục vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trên thế giới và quyết tâm đẩy lùi một Trung Quốc ngày càng quyết liệt.

Chính quyền của ông đã làm được điều đó theo một số cách. Sau cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan năm 2021, Tổng thống Biden đã tập hợp các đồng minh của Mỹ để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, trong khi khôi phục các liên minh trên khắp châu Á để gây sức ép lên Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Mỹ vật lộn trong nỗ lực chấm dứt các cuộc xung đột dai dẳng và không thể ngăn chặn mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã sang năm thứ ba, dù Mỹ viện trợ quân sự nhiều tỷ USD và cả hai bên đều chịu tổn thất lớn.

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza đã “di căn” thành xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Li-băng, dẫn đến các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng giữa Israel và Iran.

Sự ủng hộ kiên định của Tổng thống Biden dành cho Israel gây chia rẽ nội bộ đảng Dân chủ và vấp phải nhiều chỉ trích về vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế.

Nhiều người Mỹ bất mãn với di sản của Tổng thống Biden ảnh 4
Các tua bin gió ở Kennewick. (Ảnh: AP)

Chuyển đổi năng lượng

Ông Biden bước vào Nhà Trắng với tham vọng to lớn về chống lại biến đổi khí hậu, bằng cách chuyển nền kinh tế Mỹ khỏi nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch hơn và tái tạo, đồng thời tạo ra các công việc mới trong mảng phát triển xanh và đưa sản xuất quay lại Mỹ.

Ông đã ký thành luật 3 đạo luật thúc đẩy đầu tư lớn vào nền kinh tế năng lượng sạch: Đạo luật Giảm lạm phát, luật cơ sở hạ tầng và Đạo luật CHIPS, nhằm thiết lập chuỗi cung ứng chất bán dẫn trong nước để tránh các cú sốc.

Theo đó, các công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ USD vào năng lượng mặt trời, gió, xe điện và cơ sở hạ tầng mới, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và tạo ra việc làm.

Về mặt hạn chế, các chính sách của Tổng thống Biden đã không ngăn chặn được sự gia tăng mạnh mẽ trong sản lượng dầu khí của Mỹ, chủ yếu ở các vùng đất tư nhân ở Texas và New Mexico, đưa Mỹ trở thành nước khai thác dầu mỏ hàng đầu thế giới.

Dự báo của hãng Rhodium Group cho thấy lượng khí thải nhà kính của Mỹ sẽ giảm 32-43% vào năm 2030 từ kết quả của các chính sách hiện tại, thấp hơn mục tiêu 50-52% mà Tổng thống Biden đặt ra.

Theo Reuters, AP
MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.