Tường thuật trực tuyến từ tâm bão: Bão số 7 đã suy yếu

Tường thuật trực tuyến từ tâm bão: Bão số 7 đã suy yếu
(TPO) 19h45 : Tại các huyện thị ven biển và TP Thanh Hóa đã ngưng mưa, gió lặng. Nước biển đang rút dần, ở một số xã nước biển đã rút hết. Hiện bà con đang quay về nhà. Theo nhận định, chỉ vài tiếng nữa cơn bão số 7 sẽ ra khỏi địa phận nước ta. Hiện tượng nghẽn mạch ĐT cố định tại Thanh Hóa cũng đã chấm dứt.
Tường thuật trực tuyến từ tâm bão: Bão số 7 đã suy yếu ảnh 1
Ngập lụt 5 xã vùng ven biển huyện Hậu Lộc. Hàng ngàn ngôi nhà , hầu hết diện tích lúa và hoa màu bị ngập sâu dưới nước. Ảnh: TTXVN

16h15: TP Thanh Hóa và một số vùng ven biển như Hoằng Hóa đã ngớt mưa, gió đã suy giảm dần xuống chỉ còn cấp 7, cấp 8. Tin từ Ban PCBL Thanh Hóa, thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 83 tỷ đồng.

Xem báo cáo nhanh của UB PCLB T.Ư vào hồi 16h hôm nay tại đây.

Ông Mai Văn Ninh - Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa trả lời phỏng vấn TPO:

Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 9 năm qua đổ bộ vào Thanh Hóa. Cơn bão đi đến đâu gây thiệt hại rất lớn đến đó. Song do nắm bắt được thông tin kịp thời, chủ động phòng chống nên đã giảm được tối đa thiệt hại về người và của.

Hiện các tuyến đê biển của Thanh Hóa đã rất yếu, đề nghị TW hỗ trợ để xây dựng lại các tuyến đê này, tránh thiệt hại về sau.

Thống kê thiệt hại tại Thanh Hóa tính đến 13 giờ hôm nay 

Chiều dài đê bị sạt lở: 18.580m; Chiều dài đê bị tràn: 27.200m; 950 ngôi nhà bị sập đổ; 8783 nhà bị tốc mái, xiêu vẹo; 25.765 ha lúa bị ngập, ngô: 750 ha, đậu tương: 520 ha, mía: 5759 ha; 22.532 cây xanh bị đổ.

( Nguồn: Ban PCBL Thanh Hóa)

Hiện hầu hết các xã vùng ven biển Thanh Hóa đều đã bị nước biển tràn vào, gây ngập lụt cho

hàng vạn hộ dân, hàng trăm ngàn người tại đây đang phải sống trong cảnh ngập lụt, thiếu thốn về lương thực, nước uống và thuốc men.

14h40 : Tại huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), 1 người đã bị thiệt mạng do bị gió mạnh hất từ trên mái nhà rơi xuống đất khi đang giằng mái nhà để chống bão. Hiện vẫn chưa xác định được tên tuổi của người bị thiệt mạng.

Ông Lê Văn Hiển - Phó Chủ tịch huyện Hoằng Hóa - cho biết vào lúc 10 giờ 30, đê biển xã Hoằng Thanh đã bị vỡ, ngay sau đó nước đã tràn sâu vào đất liền gây ngập cả một vùng rộng lớn. Ước tính khoảng 18.000 dân của 2 xã Hoằng Phụ và Hoằng Thanh bị ảnh hưởng bởi nước lũ. Hiện nay, toàn xã Hoằng Thanh bị ngập sâu 1 m. 150 ha lúa chưa thu hoạch bị chìm trong nước.

Từ 9h30 đến 13 h hôm nay, tâm bão di chuyển từ Hậu Lộc vào Hoằng Hóa (Huyện Hoằng Hóa có 12 km dọc bờ biển trong đó có 4 km là đê kè). Mực nước trên các sông đã dâng cao trên 3 m. Đoạn đê sông tại xã Hoằng Lưu đã bị tràn toàn tuyến. Gió to đã làm tốc mái hàng nghìn ngôi nhà. Hiện vẫn chưa có thống kê về thiệt hại do cơn bão gây ra.

Tường trình từ Hải Phòng: Đê biển Cát Hải bị sạt lở khoảng 50 m

  •  Đồ Sơn chìm trong biển nước
Tường thuật trực tuyến từ tâm bão: Bão số 7 đã suy yếu ảnh 2
Sóng cao 8 đến 9 m liên tiếp đổ ập lên nhiều đoạn đường ven biển thị xã Đồ Sơn. Ảnh: TPO 

Một số cây cổ thụ và cột điện bị bão đốn ngã. 8 giờ sáng 27/9, người dân cuối cùng trong số 3.000 nhân khẩu ở xã ven biển Bằng La (Đồ Sơn) được sơ tán đến nơi an toàn như đình, trụ sở, trường học... Những người dân lánh nạn này cũng được chính quyền thị xã Đồ Sơn phát cho mì ăn liền lên đến hơn 2.000 gói.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, người dân lánh bão khá đông, cỡ khoảng 200 người một khu vực, nhưng vấn đề vệ sinh lại rất nan giải. Vì vậy, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời dễ gây bệnh dịch.

Sáng 27/9, Bộ CA đã điều động 60 cán bộ, chiến sỹ có mặt tại thị xã Đồ Sơn để ứng cứu nếu có việc gì bất thường xảy ra.

Sáng 27/9, đê biển Hoàng Châu - Văn Chấn trên đảo Cát Hải đã bị sóng biển đánh sạt lở khoảng 50 m. Hàng nghìn ruộng muối trên đảo Cát Hải và khu công nghiệp Đình Vũ chìm trong biển nước. Đê biển trên địa bàn huyện Kiến Thụy có một vài dấu hiệu sạt lở đã được xử lý kịp thời...

Đến 15 giờ ngày 27/9, bão số 7 chỉ làm đổ một số cây cối, thiệt hại về hoa màu và tốc mái một số nhà trên địa bàn Hải Phòng. Bão số 7 đổ bộ vào Hải Phòng bắt đầu giảm cường độ.

Tường trình từ Nghệ An:

(TPO) Đến 14h35 hôm nay, thông tin từ Ban chỉ huy PCLB địa phương cho biết tại huyện Quỳnh Lưu đã có 2 người bị thương do bão (xã Quỳnh Minh, Quỳnh Tam); 25 ngôi nhà tốc mái; nhiều cột điện bị đổ gãy. Đập đồng làng Quỳnh Vinh đang bị uy hiếp do mưa lớn, nước dâng cao.

Đề phòng vỡ hồ đập chứa nước, huyện Quỳnh Lưu buộc phải xả tràn Cù Chính Lan và đập Khe Gang. Hàng trăm ha lúa, hoa màu của toàn Tỉnh bị ngập chìm trong nước. 12h cùng ngày, triều cường đạt đỉnh. Các tuyến đê xung yếu tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Hưng, Quỳnh Thọ đã bị nước mặn tràn qua. So với Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định, thì Nghệ An thiệt hại do bão số 7 gây ra nhẹ hơn. Gío mạnh nhất vùng ven biển cấp 9, cấp 10.

12h30: Trên đường từ Ngư Lộc đến Minh Lộc và thị trấn Hậu Lộc, rất nhiều xe chở người dân chạy bão vẫn đang tiếp tục di chuyển.  Đường trơn trượt cùng với gió lớn khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. Xe khách 29S 4294 đã bị trật bánh và đâm vào lề đường. Rất may người dân trên xe an toàn...

11h30: Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Lợi đã trực tiếp gọi điện báo cáo Thủ tướng Phan Văn Khải về tình hình nguy cấp tại đây. Ông cho biết, đến nay đã đảm bảo an toàn cho 100% người dân ven biển sơ tán. Tuy nhiên, với sức tàn phá ghê gớm của bão hiện nay, sẽ không thể giữ được toàn bộ các tuyến đê ven biển.

Tường thuật trực tuyến từ tâm bão: Bão số 7 đã suy yếu ảnh 3
Sáng ngày 27/9/2005 , cơn bão số 7 tràn vào trong thời điểm triều cường nước lên cao và sóng to làm tràn đê biển Bạch Long, huyện Giao Thuỷ (Nam Định). Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Vào thời điểm này, Ban PCLB Thanh Hóa đã cấm toàn bộ phương tiện, người ra phía đê ven biển. Tất cả các lực lượng đã rút dần để đảm bảo tính mạng. PV TPO cũng đang ghi nhận những hình ảnh cuối cùng tại tuyến đê này trước khi rút lui cùng các lực lượng.

Tại Nam Định : Đến 12h00 trưa nay,  cơn bão số 7 đã làm sạt lở, vỡ nhiều đoạn đê, kè, cống. Tại Cầu Tròn, huyện Hải Hậu một đoạn đê dài 40m đã bị vỡ, đê phía Đông cống Thanh Niên tại huyện Giao Thuỷ cũng đã vỡ một số đoạn khiến hàng chục ha lúa phía trong ngập sâu trong nước.

Tại Nam Định, lúc 12h ngày 27/9 mực nước thủy triều đo được tại Cổ Lễ, huyện Hải Hậu là 2,65m. Đây là mực nước cao nhất trong vòng 40 năm qua. Một số đoạn đê biển đã bị vỡ.

Tại các khu vực này, gió giật cấp 11, cấo 12, cây cối đổ rạp, mưa to. Hầu hết người dân ở 3 huyện ven biển đã được sơ tán khỏi vùng nguy hiểm. Khoảng 30-40% lúa của nhân dân đã bị mất trắng.

Tại Ninh Bình vào hồi 8 giờ sáng, sức gió đạt đến cấp 11 và giật cấp 12. Ở vùng ven biển Kim Sơn đã có nhiều đoạn đê bị sạt lở. Tin đầu tiên từ Ninh Bình, toàn tỉnh đã có 18.800ha lúa bị đổ, hơn 2.265ha hoa màu bị dập nát, hơn 1.000 nhà cấp 4 bị tốc mái và hư hỏng nặng, toàn bộ đường điện hạ thế, đường truyền thanh bị đứt, hàng trăm cây đổ.

 Nước đã ngập mênh mông tại Ngư Lộc tới 3 m. Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều đồ đạc, trâu bò, lợn gà của bà con đang nổi trên mặt nước. Gió rất mạnh quật vào mặt chúng tôi bỏng rát đến nỗi không thể giơ máy ảnh lên chụp được. Phía trước mắt chúng tôi trắng xóa một biển nước, bầu trời vần vũ xám xịt, mắt bão đang tràn khắp 6 huyện, thị ven biển xứ Thanh.

Tại Hậu Lộc, tuyến đê Cầu De cũng đang bị uy hiếp nghiêm trọng, rất có nguy cơ bị vỡ. Trên 1000 tàu thuyền tránh bão đang neo đậu ngay phía trong tuyến đê này. Do vậy, nếu đê Cầu De bị vỡ thì thiệt hại là rất lớn, các chủ thuyền đang khẩn trương neo cột tàu bè của mình.

 Đến thời điểm này, toàn bộ những người dân cuối cùng tại xã Ngư Lộc đã được di dời an toàn dưới sự hỗ trợ của quân đội và công an. Họ đã di dời sâu vào phía trong tuyến đê cấp 2.

Đến thời điểm này, 20 phòng học và hàng trăm ngôi nhà ở huyện Tĩnh Gia đã bị tốc mái và thiệt hại đáng kể. Toàn bộ điện thoại cố định ở các xã ven biển đã không còn liên lạc được.

10h45 : 14 m đê Ninh Phú thuộc xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) đã bị vỡ, nước tràn sâu vào Ngư Lộc tới vài cây số. Hiện chúng tôi đang nhìn thấy những người dân cuối cùng tại Ngư Lộc đang khẩn trương di dời.

Tại 15 m đê còn lại, chúng tôi thấy khoảng 700 chiến sĩ quân đội và công an đang quyết liệt giành giật và chống đỡ với thủy thần bằng mọi biện pháp có thể.

Theo quan sát của PV TPO và nhận định của các lực lượng tại chỗ, việc bảo vệ 15 m đê này là cực kỳ khó khăn. Đây là 15 m đê cực kỳ quan trọng, nếu bị vỡ thì một loạt các xã như Ngư Lộc, Minh Lộc, Hòa Lộc sẽ bị chìm trong biển nước. 

Số liệu cập nhật về tình hình chống lụt bão tại 6 huyện thị ven biển Thanh Hóa :

Tường thuật trực tuyến từ tâm bão: Bão số 7 đã suy yếu ảnh 4
Hậu Lộc, Thanh Hóa. Ảnh : AP

Nga Sơn: Tăng cường 5400 dân quân tự vệ (DQTV), 107 dự bị động viên (DBĐV), 206 Bộ đội (BĐ), 4 ôtô, 1 Canô.

Hậu Lộc: Tăng cường 500 BĐ, 9160 DQTV, 107 DBĐV.

Hoằng Hóa: Tăng cường 7680 DQTV, 300 BĐ và 1 tổ quân y, 7 xe ôtô, 1 xuồng máy, 500 áo phao.

TX Sầm Sơn: 2600 DQTV, 107 DBĐV, 208 BĐ, 6 ôtô.

Tĩnh Gia: Tăng cường 9420 DQTV, 107 DBĐV, 500 BĐ, 100 phao cứu sinh.

Quảng Xương : 8400 DQTV, 107 DBĐV, 208 BĐ, 6 ôtô.

10h30 : Phóng viên TPO hiện đang có mặt tại Nga Sơn cho biết, toàn bộ 9,1 km đê biển của Hậu Lộc đã bị tràn nước. Theo nhận định của ông Mai Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Thanh Hóa, Phó trưởng Ban PCBL tỉnh:  Đê Thanh Hóa sẽ không chịu được sóng gió như thế này trong vòng vài tiếng nữa. Mắt bão đi đến đâu thì đê biển có thể sẽ vỡ đến đó. Tình hình rất nguy cấp.

Hiện mắt bão đang di chuyển dọc bờ biển từ Nga Sơn tới Hậu Lộc, Hoằng Hóa, TX Sầm Sơn, Quảng Xương và Tĩnh Gia.

9h20 phút sáng nay, tại 6 huyện, thị xã ven biển Thanh Hóa, gió đột ngột ngưng để chuyển hướng. Sau đó 30 phút gió bão mạnh lên bất ngờ tới cấp 10, cấp 11 và đang đổ bộ trực tiếp vào Hậu Lộc. Hàng nghìn ngôi nhà gần biển đã bị tốc và sập. Ban PCLB Tỉnh yêu cầu di dời khẩn cấp toàn bộ người dân các xã ven biển rời xa chân đê ít nhất từ 2 - 3 km (ngoài số 119.000 người đã di dời từ hôm qua.

Chúng tôi đang có mặt tại xã Ngư Lộc và chứng kiến cảnh dân chúng chạy bão trong tình trạng cực kỳ khẩn cấp. Rất nhiều người để lại toàn bộ tài sản, dụng cụ đánh bắt thủy sản. Các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ đang tích cực giúp bà con chạy bão.  

Hiện các lực lượng đã điều  55 xe ô tô tới hiện trường để di dời những người dân này. Một khó khăn trong công tác chỉ huy là toàn bộ đường dây điện thoại và điện chiếu sáng đã bị ngắt, rất khó có thể liên lạc được, trừ điện thoại di động.

Người dân xã Ngư Lộc nói

Ông Hoàng Văn Hải, 50 tuổi: Cả nhà tôi có 5 người, các cháu nhỏ đã đi sơ tán từ hôm qua. Toàn bộ đồ đạc chúng tôi đành phải bỏ lại hết, chỉ kịp mang theo chút mì tôm và lương khô.

Bà Đặng Thị Xuyên, 70 tuổi: Đại gia đình tôi có 30 người. 10 cháu nhỏ đã di dời từ đêm qua. Các con tôi bắt tôi đi sơ tán nhưng tôi không đi, bởi tôi muốn ở lại giúp các con phòng chống bão, dù sao tôi cũng là người rất có kinh nghiệm trong chuyện này.

Từ 2 h hôm nay (27/9), bão số 7 đã đổ bộ trực tiếp vào Thanh Hóa, gây ra gió mạnh cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11. Hàng ngàn cây cối, cột điện bị gãy đổ, hơn 1000 ngôi nhà bị tốc mái và đổ. Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào nước ta trong vòng 10 năm qua.

 Hàng trăm héc ta lúa chín chưa kịp thu hoạch đã bị dập nát, điện thoại cố định tại các huyện, thị xã ven biển như Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, thị xã Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia... bị mất liên lạc hoàn toàn.

Lượng mưa chưa nhiều (từ 50 - 70mm) nhưng đã bắt đầu gây úng ngập tại một số điểm thấp, trũng ở thành phố Thanh Hóa.

Ngay từ 1 giờ sáng 27/9, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Thanh Hóa đã tăng cường lực lượng quân đội và công an xuống các huyện ven biển, giúp dân ứng phó với bão. Tổng cộng đã có 1600 chiến sĩ bộ đội và 500 chiến sĩ công an được tăng cường.

Thanh Hóa cũng đã cấp cho các huyện, thị xã ven biển 180.000 bao tải, 74.000 m2 bạt chắn sóng, 450 rọ sắt, gần 2000 áo phao.

Tính đến 12 giờ hôm qua, toàn tỉnh Thanh Hóa đã động viên và cưỡng chế di dân được trên 119.000 người, 2475 tàu vào nơi trú an toàn. 3 tàu mất liên lạc từ hôm qua vẫn chưa có tín hiệu với đất liền.

Hải Phòng, Nam Định: Gần 100.000 dân đi tránh bão

Bão số 7: Cuộc sơ tán quy mô chưa từng có

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng tỉnh Thanh Hóa, tâm bão số 7 sẽ đổ bộ vào địa phương này vào lúc 9 - 10 giờ hôm nay, trùng với triều cường cao nhất trong ngày, do đó ảnh hưởng của bão sẽ rất nguy hiểm.

Tuyến đê xung yếu nhất (75km đê kè, 27km đê đất) của Thanh Hóa sẽ khó tránh khỏi vỡ, tràn.

Từ 4 giờ hôm nay, tại Đồ Sơn (Hải Phòng) gió bắt đầu mạnh lên, giật cấp 6 cấp 7. Vào thời điểm 9 giờ hôm nay, PV TPO đang có mặt tại Đồ Sơn cho biết, đã có mưa to và gió giật lên tới cấp 8, cấp 9. Đã có một số cây và cột điện bị đổ dọc đường từ khu 1 vào khu 2. Nhiều nhà dân bị tốc mái. Gió lớn kết hợp với triều cường đã tạo những cột sóng cao từ 7 - 8m đánh vào bờ.

Tường thuật trực tuyến từ tâm bão: Bão số 7 đã suy yếu ảnh 5
Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 8 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) giúp dân đắp đê ở xã Giao Thủy (Nam Định)

Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ khu 1 thuộc bãi biển Đồ Sơn đã bị ngập sâu trong nước. Các tuyến đường nằm sát biển từ khi 1 vào khu 2 cũng đã bị sạt lở, cát phủ kín đường.

Tính đến sáng nay, 3.000 dân xã Bàng La (Đồ Sơn) đã được di dời khẩn cấp tránh bão. Hàng nghìn người dân tại các xã ven biển ở Kiến Thụy và Thụy Nguyên cũng đã phải di dời. Tổng cộng đã có gần 20.000 người dân tại các vùng ven biển Hải Phòng đã phải di dời tránh bão.

Phóng sự ảnh về bão sô 7 từ Đồ Sơn, Hải Phòng

Tường thuật trực tuyến từ tâm bão: Bão số 7 đã suy yếu ảnh 12 Tường thuật trực tuyến từ tâm bão: Bão số 7 đã suy yếu ảnh 13

Báo cáo mới nhất, lúc 11giờ30, của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết sáng nay, 27/9 :  Vùng tâm bão số 7 đã đi vào đất liền thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa. Bão đã gây ra gió cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11 ở phía Bắc Vịnh Bắc Bộ và vùng biển Thái Bình-Thanh Hóa; cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9 ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa; riêng tại Văn Lý (Nam Định) đã có gió mạnh cấp 11, giật trên cấp 12. Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Tính đến 7 giờ sáng nay, tổng lượng mưa đo được phổ biến ở mức 40-80 mm, một số nơi lớn hơn như: Văn Lý (Nam Định) 112 mm; Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 128 mm…

Sau khi vào đất liền, bão đã suy yếu đi một ít. Hồi 10 giờ sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ vĩ bắc, 105,6 độ kinh đông, trên đất liền tỉnh Thanh Hóa.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão vẫn còn mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km/giờ), giật trên cấp 10.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 7 tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, mỗi giờ đi được khoảng 14 đến 17 km, gây ra gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, giật trên cấp 9; các tỉnh trong đất liền thuộc phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Bão số 7 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thêm.

Ngày hôm nay ở Vinh Bắc Bộ còn có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh.

Các tỉnh thuộc phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng úng ngập ở vùng thấp, vùng trũng; lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.

Không cho phép người đã di dời trong đêm tự động về nhà

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư (PCLBTƯ), vào lúc 23 giờ đêm qua, 26/9, bão đã ảnh hưởng trực tiếp tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An với gió mạnh cấp 7, cấp 8 tăng dần cho đến 5 giờ sáng nay với mức gió mạnh cấp 11, cấp 12 tại các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa.

Ban Chỉ đạo PCLBTƯ cũng cho biết sáng nay Ban Chỉ đạo đã có công điện số 97 yêu cầu Ban chỉ huy PCLB các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Quảng Trị không cho phép người đã di dời trong đêm tự động về nhà vào sáng 27/9, cần có kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự và chi cho phép dân được về khi bão đã đi qua. Kiên quyết không cho dân quay trở lại những vùng nuôi trồng thủy sản ở ngoài đê vào lúc lặng gió tạm thời. Trước đó, Ban chỉ đạo PCLBTƯ đã có Công điện số 96 lệnh Cty 20 – Tổng cục hậu cần (Bộ Quốc phòng) xuất 50.000 m2 bạt chống sóng trong tổng số 250.000 m2 để ứng cứu cho tỉnh Nam Định.

Sáng nay, 27/9, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm đã đi kiểm tra và chỉ đạo tại 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình. Chiều 26/9, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã đi kiểm tra và chỉ đạo trực tiếp tại TP Hải Phòng; Trưởng ban chỉ đạo PCLBTƯ Lê Huy Ngọ đã đi kiểm tra và chỉ đạo trực tiếp tại tỉnh Ninh Bình; Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đi kiểm tra và chỉ đạo trực tiếp tại Nam Định; Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Ngọc Thuật đã đi kiểm tra và chỉ đạo tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn số 1460 chỉ thị Chủ tịch UBND các tỉnh ven biển kiên quyết gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn và tổ chức neo đậu tránh trú an toàn, kiên quyết di dời dân đến nơi an tòan, rà sóat phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Giao Bộ Tài chính cấp đủ hàng dự trữ quốc gia và các mặt hàng cấp thiết, đảm bảo cho các lực lượng cứu hộ đủ áo phao và các phương tiện kỹ thuật khác. Bộ Quốc phòng bố trí lực lượng và phương tiện tham gia phòng chống bão và khắc phục hậu quả.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo PCLBTƯ ngày 27/9, hiện đã di dời được 37.696 hộ với số dân được di dời là 311.386 người; Số tàu thuyền đã về nơi trú ẩn là 39.735 chiếc; Nhân lực đã huy động chống bão: 134.961 người; Phương tiện đã huy động: 3.506 phương tiện các loại; Phao cứu sinh: 17.800 cái; Vật tư chủ yếu đã xử lý và chuẩn bị ứng cứu: Vải chống sóng 663.130m3; Bao tải: 2.209.660 bao; Đá hộc 115.703m3; Rọ théo: 25.157 rọ; Vải lọc: 25157 m3; Đất: 297.794m3.

Phản hồi của bạn đọc

Tên: Bạn Đọc, IP Address: 222.252.55.142

Hoan nghênh TPO!

"Tường trình trực tiếp từ tâm bão"- Hoan nghênh TPO! Độc giả đang chờ mong những tin trực tiếp, nóng hổi từ các bản tin ở đây! Cám ơn TPO.

Tên: nguyễn văn kỳ, Email: hatmuangau1503842004@yahoo.com

Cảm ơn toà soạn đã thông tin đầy đủ vê tình hình cơn bão số bảy.Đăc biệt là tình hình ở các xã ven biển huyện Hậu Lộc tinh Thanh Hoá.Rất mong toà soạn tiêp tục câp nhật đầy đủ hơn nữa để những ngươi xa quê như chung tôi biết tin và an tâm.Cam ơn toà soạn,đăc biệt là các phóng viên đã trưc tiếp làm nhiệm vụ.

MỚI - NÓNG