Tương lai mờ mịt của Xứ sở sương mù

Dân Anh biểu tình phản đối thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May. Ảnh: Independent
Dân Anh biểu tình phản đối thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May. Ảnh: Independent
TP - Tương lai của nước Anh trở nên vô cùng mờ mịt khi trong ngày 16/1, bản dự thảo về kế hoạch rời Liên minh châu Âu (Brexit) của Thủ tướng Theresa May đã thất bại thảm hại tại quốc hội, trong khi chỉ còn 10 tuần nữa là đến thời hạn Anh phải “ra đi”.

Không những thế, chính phủ của bà May còn phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, diễn ra vào 19h cùng ngày (2h sáng 17/1, giờ Việt Nam). Nếu đa số nghị sỹ quốc hội bất tín nhiệm chính phủ của bà May, sẽ có 14 ngày để thành lập chính phủ mới. Nếu chính phủ mới không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tiếp theo, một cuộc bầu cử sẽ được tiến hành trong 17 ngày sau đó.

Các nhà lập pháp Anh đã bỏ phiếu với 432 phiếu chống và chỉ có 202 phiếu thuận đối với đề xuất của thủ tướng May, mở ra viễn cảnh một cuộc ra đi hỗn loạn, hoặc thậm chí nước Anh sẽ phải bỏ phiếu lần thứ hai về việc ra khỏi EU.

Trong khi đồng hồ ở tháp chuông Big Ben ở London đang đếm ngược đến thời điểm 29/3, ngày Anh phải ra khỏi EU, nước này đang chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc nhất trong vòng nửa thế kỷ qua về chuyện làm thế nào, hay có nên rút khỏi tổ chức của các quốc gia châu Âu mà Anh bắt đầu tham gia từ năm 1973.

Theo hãng tin Reuters, sau cuộc bỏ phiếu về dự thảo Brexit của Thủ tướng May, lãnh đạo Công đảng đối lập phát động một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ.

“Tôi e ngại rằng quốc hội có lẽ đã mất trí và đưa cả tiến trình Brexit vào chỗ nguy hiểm và theo ý kiến của tôi thì đây là sai lầm tai hại”, James Cleverly, phó chủ tịch đảng Bảo thủ, người ủng hộ việc nước Anh ra khỏi EU nói.

Đức, thành viên quyền lực nhất trong EU, đã lên tiếng kêu gọi tổ chức các vòng đàm phán mới giữa Anh và EU. Lãnh đạo các quốc gia của khối đã được cảnh báo về hậu quả tai hại nếu Anh ra đi mà không có thỏa thuận Brexit nào được thông qua, bởi nếu kịch bản này diễn ra, một loạt các hoạt động kinh tế của châu Âu và rộng hơn nữa sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Người sẽ trở thành tân bộ trưởng Tài chính, John McDonnell, thành viên Công đảng, nói bà May có thể sẽ thuyết phục được quốc hội thông qua một bản dự thảo về Brexit  nếu bà chấp nhận thỏa hiệp với Công đảng.

Ngay từ thời điểm tháng 6/2016, khi người Anh  bỏ phiếu thông qua việc rời EU với tỷ lệ 52%-48%, giới chính trị đã tranh cãi về chuyện Anh sẽ “ly dị” tổ chức do Pháp và Đức sáng lập sau khi châu Âu trải qua một cuộc tàn phá rộng lớn mang tên Thế chiến 2.

Mặc dù nước Anh chia rẽ về vấn đề thành viên EU, hầu hết đều đồng ý rằng nền kinh tế lớn thứ năm thế giới đang ở ngã ba đường và sự lựa chọn về Brexit sẽ có tác động tới viễn cảnh về sự thịnh vượng của thế hệ tương lai trong nhiều năm tới.

Các thành viên khác của EU, với nền kinh tế kết hợp lớn gấp 6 lần nước Anh, đã kêu gọi thảo luận nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy khó có khả năng có thay đổi cơ bản so với thỏa thuận mà bà May đưa ra.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói không còn nhiều thời gian để tìm ra một giải pháp và “thời gian của trò chơi đã hết”.

Ông Maas nói với đài Deutschlandfunk rằng cần thiết phải có các cuộc thảo luận mới giữa Anh và EU, và rằng cuối cùng thì một giải pháp cho vấn đề biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland (một thành viên EU) cần phải được bàn đến. (Anh, tên đầy đủ là Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland-PV).

Nigel Farage, người vận động cho việc Anh rời EU nói có thể nước này phải bỏ phiếu một lần nữa để quyết định có nên làm việc này hay không. “Tôi nghĩ và tôi e rằng chúng tôi đang hướng tới một sự trì hoãn, và có thể, vâng, một cuộc bỏ phiếu nữa, Farage nói.

MỚI - NÓNG