Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo
Ông Vũ Đức Nhuần, Phó chủ tịch UBND huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho biết, so với các huyện, thành phố khác tại tỉnh này, Di Linh có 6 cái nhất, bao gồm: Diện tích tự nhiên lớn nhất, tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao nhất, sản lượng cà phê lớn nhất, số ao hồ nhiều nhất, nhiều đơn vị hành chính nhất…“Cuối cùng là tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Tuy nhiên điều này thì không ai muốn và huyện luôn phấn đấu để giảm con số này”, ông Nhuần cho hay.
Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Nhuần, Di Linh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững. Trong đó, huyện chú trọng lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình, dự án, phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất.
Địa phương cũng thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách về đất đai, tín dụng, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, các chính sách an sinh, xã hội…
Di Linh chú trọng đầu tư hệ thống giao thông liên xã, liên thôn, đường vào các khu sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư hàng hóa, nông sản.
Đồng thời, huyện tiếp tục đầu tư, hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất đối với các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Sơn Điền, Gia Bắc, Đinh Lạc, Gung Ré, Bảo Thuận và Đinh Trang Thượng.
Đầu tiên là hỗ trợ nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Ban ngành chức năng vận động nông dân thay đổi tư duy canh tác, chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống lấy năng suất và sản lượng làm mục tiêu, chuyển sang sản xuất theo tư duy lấy giá trị sản xuất/đơn vị diện tích làm mục tiêu.
Song song đó là sản xuất theo hướng áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn, tem truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận VietGAP…; đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập.
Chú trọng đầu tư các công trình thủy lợi
Bà Now Sye Hồng Thuyên, Phó phòng NN&PTNT huyện Di Linh cho hay, các phòng ban, đơn vị chức năng của huyện đã phối hợp nghiên cứu, khảo sát các khu vực, vị trí có thể phát triển các loại hình thủy lợi như đập dâng, hồ chứa nước.
Trên cơ sở đó, Phòng NN&PTNT đã tham mưu với UBND huyện về phương án, kế hoạch phát triển các loại hình thủy lợi nhỏ; đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm; đảm bảo chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng và dân sinh trong mọi tình huống, kể cả tình huống khô hạn nhất.
Hiện Di Linh là địa phương có diện tích mặt nước phục vụ tưới tiêu cao nhất tỉnh với 5 hồ thủy điện, 38 hồ thủy lợi, hơn 7.000 ao hồ nhỏ phục vụ nông nghiệp.
Hồ chứa nước Tây Di Linh |
Là thủ phủ cà phê của tỉnh Lâm Đồng, nhiều nông hộ trồng cà phê với diện tích lớn đã chủ động đào hồ chứa nước trong vườn, rẫy để trữ nước tưới cây trong mùa khô.
Các hộ trồng cây ăn trái như bơ, sầu riêng hoặc trồng ngô (chuyên cung cấp cho doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa) với quy mô lớn cũng đào ao trữ nước.
Là một trong những người đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Đinh Lạc, ông K’Ren phấn khởi nói: "Gia đình tôi đã chuyển diện tích đất trồng lúa một vụ sang trồng 5 sào sầu riêng và 2ha ngô cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trước".
Trong 6 tháng mùa khô, lượng mưa rất thấp nên ruộng vườn khô khát. Ông K’Ren cùng các hộ lân cận đào hồ chứa nước, mua máy bơm để bơm nước và đầu tư hệ thống tưới tự động để cung cấp đủ độ ẩm cho đất, giúp cây trồng sinh trưởng tốt, tránh sâu bệnh.
“Bây giờ khoa học kỹ thuật phát triển lắm. Mình phải chủ động áp dụng vào sản xuất chứ không thể trông chờ vào nước trời như trước kia”, ông K’Ren nhấn mạnh.
Ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Gung Ré cho biết, nhiều nông hộ kết hợp nuôi thủy sản trong ao, hồ để có thêm thu nhập, nhất là các loại cá nước lạnh.
Được biết, huyện Di Linh có hơn 65.000 người dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm trên 40% dân số. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Đến cuối năm 2022, hộ nghèo giảm còn 1.597 hộ, chiếm tỷ lệ 3,9%; trong đó hộ nghèo người dân tộc thiểu số là 1.074 hộ, chiếm tỷ lệ 6,7%.