“Tốc độ” gồm bốn tiểu phẩm chung chủ đề về thực trạng giao thông Việt Nam và ý thức của người tham gia giao thông tạo ra nhiều câu chuyện bi hài, hệ lụy đau lòng trong cuộc sống. Đây là tác phẩm đặt hàng của Bộ VHTTDL, tác giả Đinh Tiến Dũng viết kịch bản, NSƯT đạo diễn Sĩ Tiến dàn dựng.
Trong “Đường tắc mắc duyên”, một chiến sĩ cảnh sát giao thông lần đầu ra mắt bố mẹ vợ tương lai. Màn ra mắt của chàng chiến sĩ trẻ mang lại nhiều tiếng cười, khi bị bố vợ tương lai “chất vấn” “làm cảnh sát giao thông có bao giờ nhận tiền của người vi phạm không? Nếu không nhận liệu có đủ sống?
Với “Quán ân nhân”, khán giả gặp lại cặp nghệ sĩ Vân Dung-Bá Anh và được dịp cười nghiêng ngả với những câu thoại tung hứng của họ. Vân Dung vào vai bà bán nước hài hước. Vẫn là Vân Dung hài từ gương mặt tới giọng nói, chỉ cần chị cất giọng và le te ra sân khấu cũng đủ làm khán giả thích thú.
Khán giả được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong “Tốc độ”. Nếu hai tiểu phẩm đầu tiếng cười sảng khoái thì ở hai tiểu phẩm sau khán giả lại suy ngẫm nhiều hơn. Nửa đầu tiểu phẩm “Bạn thân” khiến khán giả cười té ghé với các ông say chuốc rượu cho bệnh nhân đang chuẩn bị vào phòng mổ. Thế nhưng nửa sau, người xem lặng đi khi người vợ của nạn nhân (Thu Quỳnh) nấc lên vì gia đình bỗng chốc mất đi người chồng, người cha chỉ sau một bữa nhậu. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những người luôn lấy sự nhiệt tình, hết lòng vì bạn bè trên bàn nhậu.
Trở về gia đình và xã hội sau thời gian ngồi tù, anh thanh niên còn phải đối mặt với sự dằn vặt từ phía người cha. Không chỉ bản thân người gây nạn phải chịu hậu quả, gia đình người thân cũng phải trả giá và gánh hệ lụy. Cuối cùng chàng thanh niên cũng nhận ra sương mù ở đây chính là nhận thức của con người, anh ta đã nhìn ra đường đi cho phần đời còn lại, đó chính là trách nhiệm với xã hội.
“Tốc độ” có sự góp mặt của nghệ sĩ, diễn viên làm nên thương hiệu của Nhà hát Tuổi trẻ như Vân Dung, Bá Anh, Thanh Tú, Thu Hương, Đức Khuê, Thu Quỳnh, Chí Huy, Mạnh Đạt... Với kịch bản thú vị, đạo diễn Sĩ Tiến còn mang tới cho khán giả trải nghiệm thú vị ở hiệu ứng thị giác. Kỹ xảo điện ảnh về tai nạn giao thông được ứng dụng hợp lý, khiến khán giả thực sự ám ảnh.