Muốn chuyển 10.000 USD cho người bạn đang mắc kẹt ở Mỹ do COVID-19, chúng tôi đến một ngân hàng thương mại ở quận 3 (TPHCM) để tìm hiểu thủ tục. Ngân hàng yêu cầu chúng tôi phải cung cấp thông tin người nhận tiền đang ở bang nào, địa chỉ cư ngụ, hộ chiếu, giấy khám sức khỏe… Người chuyển tiền còn phải chứng minh nguồn gốc tiền có hợp pháp hay không… Sau rất nhiều yêu cầu, chúng tôi đành bỏ cuộc vì rất khó chuyển tiền bằng con đường chính thống.
Tuy nhiên, khi tìm trên các trang mạng, chúng tôi làm quen được với T. giới thiệu chuyên nhận chuyển tiền online. T. nói có người quen ở Mỹ có thể nhờ chuyển tiền hộ cho bạn của chúng tôi. “Chỉ cần cung cấp địa chỉ, cách thức để bên mình liên lạc với bạn của chị. Khi bạn của chị nhận được tiền thì chị mới chuyển tiền cho em”. Về mức phí, T cho biết dao động 1-1,5% cho khâu trung gian.
Trong khi đó, chị Bình (ngụ Q.7, TPHCM) lại có cách “lách” luật để vẫn có thể chuyển tiền cho con đang du học ở Mỹ rất dễ dàng. “Tôi có người quen giới thiệu chuyển nhờ qua công ty xuất nhập khẩu. Các công ty xuất nhập khẩu luôn có hạn mức về ngoại tệ để trả tiền mua nguyên liệu ở nước ngoài. Khi đó, tôi chỉ cần đưa tiền cho công ty này tại Việt Nam.
Số tiền chuyển đi một phần doanh nghiệp để thanh toán mua bán, nhưng một phần được tách ra để gửi đi. Cách này cũng khá an toàn vì doanh nghiệp vẫn tiến hành giao dịch qua ngân hàng thương mại bình thường. Mình chỉ cần chịu thêm các khoản phí phát sinh” - chị Bình nói.
Phải kiểm soát dòng tiền
Cựu giám đốc một ngân hàng thương mại tại TPHCM cho rằng không dễ chuyển tiền ra nước ngoài theo kênh chính thống, bởi ngân hàng kiểm soát rất chặt chẽ từ mục đích đến số tiền muốn chuyển.
“Tuy nhiên, có nhiều cách lách như dùng chuyển tiền bằng ví điện tử, mua Bitcoin… Khi đó, mình đưa tiền mặt cho họ, họ dùng tiền này quy đổi thành Bitcoin, sau đó đổi thành USD ở nước ngoài. Tiền điện tử do pháp luật chưa kiểm soát được nên nhiều người muốn chuyển tiền lậu đã dùng rất nhiều cách. Quan trọng là mức phí thỏa thuận như thế nào mà thôi”. Vị này nói và lưu ý thêm, khi chuyển tiền theo kênh chợ đen, tất cả giao dịch đều chỉ dựa vào niềm tin. Do đó rủi ro là rất lớn.
“Với trường hợp chuyển tiền thông qua đơn vị xuất nhập khẩu, đến nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào. Nhưng nếu có việc chuyển tiền không đúng mục đích là vi phạm quy định, khách hàng cũng gặp rủi ro khi thực hiện các hành vi phi chính thức”, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TPHCM
Lãnh đạo của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) chi nhánh TPHCM cho rằng, quy định chuyển tiền ra nước ngoài khá chặt, nhưng khó tránh khỏi một số đối tượng cố tình tìm cách lách. Ví dụ như việc thanh toán đơn hàng. Họ thành lập công ty hẳn hoi rồi tạo ra giao dịch mua bán ảo. Sau đó hai bên liên lạc qua thư điện tử rồi chứng minh với ngân hàng rằng đang có đơn hàng và cần chuyển một số tiền ra nước ngoài thanh toán thì nhà băng cũng khó xác minh tính chính xác để mà từ chối giao dịch.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Doãn Hữu Tuệ cho rằng, việc chuyển tiền ra nước ngoài được quy định rất chặt chẽ. Chỉ có điều việc kiểm soát dòng tiền, phương thức vận chuyển ra nước ngoài mới có vấn đề. Nếu vận chuyển tiền mặt thì rất khó, nhưng có thể lách bằng cách có một đầu mối nước ngoài và Việt Nam.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, nắm bắt nhu cầu hai phía (người Việt Nam muốn chuyển tiền ra nước ngoài nhưng bị kiểm soát chặt chẽ và kiều bào ở nước ngoài có nhu cầu chuyển tiền về nước), các đường dây chuyển tiền ngầm đứng ở giữa “ăn” hai mang mà không cần thực hiện hoạt động chuyển tiền ra ngoài biên giới. Đây là lý do phí chuyển tiền ngầm thường rẻ, thậm chí là miễn phí.
Tuy nhiên, rủi ro của hình thức chuyển tiền này rất lớn, vì chỉ dựa trên cơ sở niềm tin, không có giấy tờ gì để chứng minh. Cộng thêm sự mập mờ về tỷ giá hối đoái, thời gian chuyển tiền không rõ ràng, cơ chế bảo mật lỏng lẻo, hạn chế về ngoại tệ quy đổi là nhiều vấn đề mà khách hàng của dịch vụ chuyển tiền “chợ đen” đang gặp phải.