Tư vấn tâm lý cho thí sinh ôn thi mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
Giáo viên Trường THPT Thuận Thành, Bắc Ninh đang giảng bài trực tuyến trong khu cách ly Ảnh: Bích Hạnh
Giáo viên Trường THPT Thuận Thành, Bắc Ninh đang giảng bài trực tuyến trong khu cách ly Ảnh: Bích Hạnh
TP - Thời gian học trực tuyến kéo dài, lại chưa biết có được tham gia thi tốt nghiệp THPT đợt 1 hay không đang gây ra những lo âu, căng thẳng cho học sinh lớp 12.

Nguyễn Thị Hồng Ngọc, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Thuận Thành số 1, Bắc Ninh, gấp rút lên đường tới khu cách ly khi một giáo viên của trường mắc COVID-19. “Lúc mới có thông báo rằng sẽ phải đi cách ly tập trung, tâm lý của em cực kỳ hoang mang và sốc. Khi đó, em chỉ biết trong nhà có bao nhiêu sách vở ôn tập và đề đã và đang ôn thi mang hết theo. Điều em lo sợ là vào đó sẽ không thể học trực tuyến đuổi kịp tiến độ ôn tập thi tốt nghiệp THPT 2021”, Ngọc nói. Ở khu cách ly, Ngọc vẫn luôn nhận được sự quan tâm của thầy cô, bạn cùng lớp.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến hết ngày 29/5, số ca F0 trong ngành giáo dục trên cả nước là 334. Trong đó, 58 là cán bộ, giáo viên, nhân viên, 276 là trẻ em, học sinh. Cùng với đó là 7.865 trường hợp F1 phải cách ly.

Chuẩn bị tâm lý tích cực

PGS. TS Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tư vấn tâm lý, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, dịch bệnh vẫn còn phức tạp, phải giãn cách hay đi cách ly đang tạo áp lực tâm lý rất lớn đối với học sinh, nhất là những em lớp 9 và lớp 12, đang đứng trước kỳ thi chuyển cấp hoặc thi tốt nghiệp THPT. “Những căng thẳng tâm lý, rối nhiễu tâm lý hay sốc diễn ra đối với học sinh cuối cấp thường nhiều và đáng quan tâm hơn. Phụ huynh cần có sự chuẩn bị về mặt tâm lý cho học sinh để có những ứng phó tích cực trước những khó khăn này”, ông Hà nói.

PGS. TS Phạm Mạnh Hà, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, trong khâu tổ chức thi, người làm đề rất quan trọng, nếu không tính toán đến vấn đề tâm lý của học sinh trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, ra đề thi quá khó thì sẽ tăng nguy cơ học sinh gặp vấn đề tâm lý sau kỳ thi.

Theo ông Hà, chuẩn bị về tinh thần rất quan trọng; học sinh phải chuẩn bị tâm thế vượt qua khó khăn, đối mặt những căng thẳng. Do vậy, cần nỗ lực vượt qua trong chừng mực cao nhất có thể. Đây là cách tư duy tích cực, không đổ lỗi cho hoàn cảnh. Ông cũng khuyên thí sinh nên tổ chức lại hoạt động học tập của mình. Khi học trên lớp, căng thẳng được giảm bớt do được gặp gỡ bạn bè, thầy cô. Nhưng bây giờ, thí sinh chỉ có máy tính và 4 bức tường, áp lực thi cử, lo lắng sẽ luôn thường trực. Thí sinh cần tăng cường kết nối với người khác, như xây dựng nhóm bạn trao đổi qua Zalo, Facebook để học tập hiệu quả hơn.

Khi phải thực hiện giãn cách xã hội, học sinh đối mặt nguy cơ nghiện thiết bị công nghệ thông tin có kết nối internet với những trò chơi điện tử, mạng xã hội không liên quan hoạt động giải trí, học tập thông thường. Điều này sẽ làm tâm lý căng thẳng, trầm trọng hơn.

“Nên lên kế hoạch chi tiết trong một ngày để tránh lạm dụng phương tiện thông tin. Bên cạnh đó, cũng phải có hoạt động thể chất để cân bằng hoặc giúp đỡ bố mẹ những công việc gia đình, không mất nhiều thời gian nhưng giải phóng được năng lượng xấu, tinh thần không bị trì trệ”, ông Hà khuyên.

MỚI - NÓNG
'Ngậm trái đắng giấc mơ làm việc trời Tây': Nhiều đơn vị ngừng hợp tác với DSS
'Ngậm trái đắng giấc mơ làm việc trời Tây': Nhiều đơn vị ngừng hợp tác với DSS
TPO - Trung tâm Phát triển Giáo dục và đào tạo phía Nam thuộc Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ giải quyết theo hướng dừng hợp tác sử dụng các dịch vụ của Trung tâm đối với Công ty TNHH du học định cư DSS từ ngày 15/10/2024. Trong khi đó, đại diện Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết, "DSS cũng không còn hoạt động tại trường nữa...".