Bối cảnh có một không hai
Từ sáng sớm, tiếng cưa xẻ vầu, nứa vang lên khắp các thôn Phú Lương Thượng, Phú Lương Hạ, Xà Cầu, Đạo Tú, Cầu Bầu, Quảng Nguyên của làng Quảng Phú Cầu.
Những bó chân hương với hai màu sắc chủ đạo đỏ và hồng được xếp tròn trên sân phơi, tạo nên một bối cảnh “độc lạ” cho nhiếp ảnh gia và khách du lịch. Từ đây, đã ra đời nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng quốc tế và được lan tỏa rộng rãi. Đơn cử như bức ảnh chụp hai người phụ nữ phơi nhang tại làng nghề Quảng Phú Cầu của nhiếp ảnh gia người Bangladesh, Azim Khan Ronnie, đã chiến thắng Giải Nhiếp ảnh quốc tế Siena 2020.
Bức ảnh đoạt Giải Nhiếp ảnh quốc tế Siena 2020 của nhiếp ảnh gia người Bangladesh, Azim Khan Ronnie |
“Tôi bị cuốn hút bởi sắc đỏ rực rỡ và sự sắp đặt hoàn hảo của những bó nhang tại làng hương. Đó không chỉ là một cảnh đẹp mà còn là câu chuyện về văn hóa, truyền thống và sự lao động bền bỉ của con người Việt Nam. Với tôi, đây là một nơi tuyệt vời để kể những câu chuyện bằng hình ảnh, nơi mà ánh sáng, màu sắc, và con người hòa quyện một cách tự nhiên và đầy cảm hứng”, Azim Khan Ronnie chia sẻ sau khi nhận giải.
Các nhiếp ảnh gia và nhà quay phim đặc biệt yêu thích ánh sáng tự nhiên và màu sắc nổi bật của những bó hương khi được phơi trên sân. Anh Lê Hoàng Nam, một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nhận xét: “Ánh nắng chiếu qua từng bó chân hương tạo hiệu ứng thị giác tuyệt vời, biến mỗi bức ảnh thành một tác phẩm nghệ thuật. Cảnh sắc ở đây không chỉ phù hợp cho ảnh tĩnh mà còn rất lý tưởng để quay các thước phim tài liệu hay video sáng tạo.”
Đối với các nhà quay phim, không gian làng nghề mang đến những góc máy đặc biệt, từ cận cảnh các công đoạn làm hương đến những đại cảnh mô tả toàn bộ sân phơi rực rỡ sắc màu. Những thước phim quay tại đây thường được sử dụng trong các chương trình văn hóa và quảng bá du lịch.
Làng Quảng Phú Cầu, có truyền thống làm tăm hương hơn 100 năm qua. Trong nước, hương được vận chuyển đi nhiều tỉnh thành như Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn. Ngoài ra, sản phẩm này cũng được xuất đi nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia.
Theo bà Nguyễn Thị Hoa, một nghệ nhân đã gắn bó với nghề hơn 30 năm: “Làm tăm hương là cả một nghệ thuật. Chọn vầu, nứa phải đủ tuổi, đủ độ dai, rồi phải phơi, nhuộm màu sao cho đều và bắt mắt. Màu sắc rực rỡ của tăm hương không chỉ để trang trí mà còn mang ý nghĩa tâm linh, tượng trưng cho sự may mắn và an lành”.
Ông Nguyễn Hữu Long, một thợ làm hương lâu năm, chia sẻ: “Người Quảng Phú Cầu có bí quyết riêng khi pha chế nguyên liệu thảo mộc. Hương ở đây thơm lâu, bền màu nhờ các thành phần như quế, trầm, sả…” Chính những bí quyết này khiến sản phẩm của làng nghề không lẫn vào đâu được và được ưa chuộng không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Quốc.
Làng Phú Cầu bây giờ không chỉ bán hương. Những người dân vốn quen với nghề truyền thống, giờ cũng đã thích ứng để trở thành những hướng dẫn viên du lịch. Thấy chúng tôi loay hoay chọn bối cảnh, bà Hoa chỉ đạo: “Cái góc này này, sáng chụp là đẹp nhất, bên mé sân kia thì nắng chiều lên mới đẹp. Làng tôi trông thế chứ phóng viên nước ngoài về nhiều lắm. Người ta đưa bài lên cả báo Mỹ, các cô chú chờ một lúc nữa là có khách Tây đến, tha hồ hỏi chuyện”.
Y lời bà Hoa, khoảng gần trưa, một đoàn khách ngoại quốc “theo internet” tìm đến làng hương. Sarah Thompson, du khách từ Mỹ chia sẻ: “Lần đầu tiên tự tay làm hương là một trải nghiệm thật sự đặc biệt. Tôi được hướng dẫn cách chẻ tăm từ nứa, nhuộm màu và sắp xếp những bó nhang rực rỡ dưới ánh nắng. Mọi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, khiến tôi hiểu thêm về giá trị của nghề thủ công truyền thống.
Dạo bước trong làng, ngắm nhìn những sân phơi đỏ hồng trải dài, tôi cảm nhận rõ sự gắn kết giữa người dân và văn hóa nơi đây. Đó là một kỷ niệm mà tôi sẽ mang theo về Mỹ.”
Để hút khách, nhiều gia đình ở Quảng Phú Cầu đã tỉ mỉ xếp những bó chân hương thành hình bông hoa, cờ đỏ sao vàng, bản đồ Việt Nam... để tiện cho việc check in. Ngay hình bản đồ Việt Nam cũng có nhiều sáng tạo, với nhiều hình thức, cách bố cục màu sắc khác nhau. Thông thường, người ta hay tạo hình bằng cách để rỗng ở giữa, các bó hương tạo thành viền, nền chung quanh để khách đứng giữa “rừng hương” chụp ảnh.
Ông Nguyễn Hữu Long cho biết, xuất phát từ bức ảnh chụp cảnh người dân Quảng Phú Cầu đang phơi tăm hương được giải cao trong một cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Tuấn Việt, rất nhiều người đã tìm về đây tham quan. Nắm bắt được xu thế đó, ông đã mở rộng sân xưởng và sản xuất tăm hương với nhiều màu sắc để du khách có thể đến check in vào các dịp lễ, Tết, cuối tuần.
Khách du lịch đến Quảng Phú Cầu có thể thuê thêm áo dài, quạt, nón lá, thang xếp, ghế... để biến những sân phơi thành studio ngoài trời. Ai thích trải nghiệm cũng có thể tự tay se, cuốn hương truyền thống theo hướng dẫn của nghệ nhân và tìm hiểu về quy trình sản xuất hương sạch truyền thống.
Trước đây, tăm hương ở Quảng Phú Cầu được chẻ bằng tay, hoàn toàn thủ công, cho ra sản phẩm là tăm vuông, nhưng bị giới hạn về kích thước sản phẩm. Từ khoảng những năm 2010 đến nay, máy móc được áp dụng, sản phẩm đầu ra là tăm tròn, với chủng loại, kích thước rất đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường.
Hiện nay, hoạt động chẻ tăm bằng tay vẫn được lưu giữ ở một số hộ gia đình trong xã. Đây là một trong những hoạt động trải nghiệm rất được du khách ưa thích, bên cạnh việc se hương bằng tay, thu nhập từ khách du lịch theo tiết lộ của người dân là “cũng được một khoản khá”.
Theo tiết lộ của người dân, khách đến làng hương Quảng Phú Cầu có tới hơn một nửa là khách nước ngoài |
Nghệ nhân Nguyễn Tiến Thi (thôn Xà Cầu) cho biết, nhà anh đã có 5 đời làm hương, riêng anh đã có hơn 20 năm làm nghề. Cũng theo anh Thi, hiện HTX hương đen Thủy Xuân Tiên sản xuất nhiều loại hương, như: Hương đen truyền thống (nguyên liệu trám từ Thái Nguyên, Gia Lai), hương trầm (nguyên liệu trầm nhập từ Quảng Nam), hương quế (nguyên liệu quế nhập từ Yên Bái), hương bài (nguyên liệu bài nhập từ Nghệ An, Quảng Ninh)… Mỗi năm, HTX bán ra thị trường từ 100-150 tấn hương.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã chính thức công nhận Quảng Phú Cầu là “Điểm du lịch làng nghề”, mở ra cơ hội quảng bá rộng rãi hơn cho văn hóa làng nghề. Quyết định này cũng tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống của người dân. Hiện nay, khoảng 70% hộ dân trong xã tham gia làm nghề, với hàng nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp.
Ông Nguyễn Hữu Long cho biết: “Chúng tôi có 2 nhân công để hỗ trợ, hướng dẫn du khách lựa chọn và chụp được những bức ảnh đẹp nhất, ưng ý nhất. Họ cũng hỗ trợ du khách tránh để xô lệch những bó hương, đảm bảo có những trải nghiệm tốt nhất”.
Anh Nguyễn Nhật Nam, một du khách từ TPHCM, chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều làng nghề truyền thống, nhưng đây là lần đầu tiên thấy nghề thủ công gắn liền với nghệ thuật trình diễn như vậy. Mỗi góc chụp ở đây đều mang một câu chuyện”.
Trên đường về, chúng tôi đều mang theo lỉnh kỉnh những hương vòng, hương trầm để dùng vào dịp Tết. Bà Hoa biết tôi là nhà báo dặn với theo: “Nếu viết bài thì cứ nói đến Phú Cầu dễ lắm, cứ theo quốc lộ 21B là được, còn không thì cứ lên xe bus số 91 cũng đến nơi”.
Người làng Phú Cầu tạo hình chân hương để lấy chỗ check in cho du khách |
Ngoài nghề làm hương, Quảng Phú Cầu còn có 22 công trình di tích mang đậm dấu ấn lịch sử và kiến trúc Bắc bộ, trong đó 8 di tích đã xếp hạng (4 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 4 di tích xếp hạng cấp thành phố) như: Di tích lịch sử - văn hóa Đình Phú Lương; Chùa Bầu Bỏi; Di tích lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia Đình Quảng Nguyên; chùa Quảng Nguyên…
Bà Trần Thị Thanh Mai, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhận định: “Việc bảo tồn các di tích gắn liền với làng nghề không chỉ là giữ lại những giá trị truyền thống mà còn tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo.
Du khách không chỉ đến để chiêm ngưỡng kiến trúc cổ kính mà còn để tham gia các hoạt động trải nghiệm như lễ hội, làm hương, và tìm hiểu về lịch sử địa phương. Điều này góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị văn hóa, đồng thời mang lại nguồn thu kinh tế bền vững cho người dân”.