Trẻ đang nghĩ gì?
Theo các nhà quản lý giáo dục, không ít học sinh chịu áp lực trong học tập, cuộc sống cũng như mạng xã hội, trò chơi điện tử. Thay vì gần gũi, có giải pháp hỗ trợ, một số cha mẹ ứng xử tiêu cực khiến mâu thuẫn tích tụ. Khảo sát ở các trường học cho thấy, gia tăng tỉ lệ học sinh trầm cảm.
Các nhà giáo cho rằng, học sinh ngày nay chịu nhiều áp lực trong học tập lẫn cuộc sống |
Chị Trần Thị Quỳnh Nga, có con học lớp 7 một trường THCS tại quận Đống Đa (Hà Nội) nói rằng, trong buổi họp phụ huynh lớp, chị khá bất ngờ khi nhận được mẩu giấy về lời tâm sự của con gửi cô giáo. Trước buổi họp phụ huynh, cô giáo khuyến khích tất cả học sinh viết về những điều mình ghét và điều kỳ vọng nhắn gửi bố mẹ. Trong đó, con chị Nga đã gạch ra 6 đầu mục gồm: con không muốn bố mẹ li hôn, không muốn bị bố đánh; không muốn so sánh “con nhà người ta”… Ở phần điều con mong muốn, con đã viết: mong được mẹ ôm ấp, yêu thương; muốn có gia đình vui như các bạn. “Đọc những dòng đó, mình xúc động rớt nước mắt. Đúng là đã có những lúc vì áp lực cuộc sống, mình không kiềm chế được cảm xúc, trút giận lên con”, chị Nga nói.
Có nhiều năm làm quản lý ở trường học, bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, thông qua bộ câu hỏi của chuyên gia tâm lý, nhà trường vừa tiến hành cuộc khảo sát trên toàn bộ học sinh. Kết quả khá bất ngờ khi có tới 30% học sinh có vấn đề về tâm lý, trong đó 10% ảnh hưởng nặng. Khi được hỏi, các em trả lời hằng ngày chịu nhiều áp lực trong cuộc sống lẫn học tập. Ví như: cha mẹ so sánh “con nhà người ta”; áp lực thành tích; không được bố mẹ quan tâm, yêu thương; bố mẹ ly hôn; bố mẹ chửi mắng thậm tệ… “Tất cả những vấn đề liên quan đến tâm lý học sinh nếu không được quan tâm, các em cứ tích tụ dần, dồn nén và có nguy cơ bùng phát thành một hành động tiêu cực nào đó.”, bà Hồng nói.
Cần quan tâm tới môi trường giáo dục tránh gây áp lực cho trẻ (ảnh minh họa) |
Cũng theo bà Hồng, trong số 10% học sinh được cho là có vấn đề về tâm lý khá nặng, đa số các em có hoàn cảnh đặc biệt, nhiều gia đình li hôn, giao con cho người khác nuôi. Ở trường có “hòm thư tâm sự” và nhiều em viết những mẩu giấy nhỏ thổ lộ với cô giáo những câu chuyện thương đến thắt lòng. Có em nói cảm thấy cô đơn, lạc lõng ngay chính trong gia đình; cũng có em bị áp lực vì sự kỳ vọng quá mức của cha mẹ; có em chán nản vì thường xuyên bị người thân không tiếc lời mắng chửi. Trong giáo dục, vai trò gia đình là nền tảng, gốc rễ do đó, cha mẹ cũng cần nhìn nhận lại, chúng ta có thực sự yêu thương và chấp nhận cả những ưu, nhược điểm của con hay chưa? Hay vì áp lực từ công việc ngoài cuộc sống, về nhà con bị điểm kém hay một lỗi nào đó, lại trút giận lên đứa trẻ và không quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của con.
Bên cạnh nhiều phụ huynh dành thời gian quan tâm, yêu thương con vẫn có những người chưa thật sự sát sao, thấu hiểu. Thấy con không được như kỳ vọng lập tức chửi mắng; con có vấn đề tâm lý cũng bỏ mặc không để ý. Trong khi, không ít học sinh hiện nay chịu tác động rất lớn từ môi trường mạng xã hội, game với những hình vi bạo lực. Cha mẹ không làm gương, thậm chí bất mãn, bức xúc từ những việc rất nhỏ xung quanh cuộc sống khiến đứa trẻ mất phương hướng, không có sự tự tin.
Năm 2021, Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, cơ sở A ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng có khảo sát học sinh toàn trường cho thấy, các em gặp nhiều khó khăn cả trong học tập, quan hệ với bố mẹ, người thân, ứng xử với bạn bè và ngay cả chính hoạt động cá nhân. Cụ thể, có 21,2% học sinh cho rằng các em gặp xung đột với bố mẹ nhiều hơn trước, 16,4% cảm thấy không thích gần gũi với bố mẹ và bị bố mẹ quản lý thiết bị điện tử thường xuyên. Điều đáng nói, có 66,5% học sinh cũng cho biết, các em dành nhiều thời gian cho mạng xã hội khi dùng điện thoại; hơn 33% em dùng mạng chơi điện tử.
Tạo sân chơi cho học sinh
Về giải pháp đồng hành, hỗ trợ học sinh, bà Hồng cho biết, ngoài học tập, nhà trường tạo nhiều kênh để học sinh có nơi sẻ chia, “bấu víu” như: hòm thư tâm sự, phòng tham vấn tâm lý; trò chuyện theo các chủ đề sức khỏe, tâm lý, giáo dục lòng yêu thương dưới cờ… Trong khi giáo viên chưa đủ chuyên môn để tư vấn, trường học cần thiết phải có phòng tham vấn tâm lý và có chuyên gia. Tạo các “sân chơi” để các em được giải tỏa năng lượng.
Mới đây, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề về “Nói không với bạo lực học đường” cho toàn bộ học sinh các khối lớp. Theo đại diện nhà trường, hành vi bạo lực gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội. Những vấn đề thuộc về phạm trù đạo đức nếu không được giáo dục sớm và thường xuyên sẽ rất dễ gây lầm lạc trong hành vi và ứng xử sau này. Nếu mỗi người được giáo dục và rèn luyện tốt về đạo đức, có một triết lý sống lành mạnh thì sẽ có cách ứng xử hòa nhã với gia đình, thầy cô, bạn bè,... Trong từng trường hợp cụ thể, các em sẽ có cách xử lý vững vàng. “Hiểu được điều đó, nhà trường, các thầy cô giáo luôn quan tâm tới việc giáo dục kĩ năng sống, giúp học sinh xây dựng những giá trị cốt lõi, rèn luyện phẩm chất tốt đẹp và tạo môi trường học đường giàu lòng nhân ái, giàu tính nhân văn, để trường học thực sự là ngôi nhà hạnh phúc với mỗi người”, đại diện nhà trường nói.
Đầu năm học 2023-2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng nói rằng: 70% học sinh có hành vi bạo lực học đường đều có hoàn cảnh đặc biệt như: cha mẹ li hôn hoặc có hành vi bạo lực gia đình. Về giải pháp giải quyết vấn đề ứng xử bằng bạo lực trong học sinh, ông Sơn cho rằng, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với phụ huynh. Trong đó, ở trường học, thầy cô sớm nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh học sinh, chủ động giải quyết từ tận gốc vấn đề. “Đặc biệt trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh để khi gặp vấn đề, tình huống các em có thể tự xử lý, bao gồm cả kỹ năng tham gia vào mạng xã hội. Bởi vì hiện nay có nhiều hành vi bạo lực của học sinh là học theo, bị ảnh hưởng từ mạng xã hội”, ông Sơn nói.