Tại buổi họp báo chiều ngày 4/10, ông Từ Lương - Phó giám đốc Sở TT&TT TPHCM cho biết, Sở cấp 46.000 mã QR cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Riêng từ 30/9 đến nay, Sở này đã cấp 26.000 mã QR.
“Con số dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng cao và nhanh trong thời gian tới. Các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đang tích cực phối hợp Sở TT&TT để tổ chức đăng ký QR đúng quy định. Đến ngày 8/10, theo Chỉ thị 18, TPHCM chính thức quét mã QR trên toàn địa bàn” - ông Từ Lương nói.
Từ ngày 8/10, TPHCM chính thức quét mã QR trên toàn địa bàn |
Liên quan đến việc lưu thông đến các tỉnh, ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Giao thông vận (GTVT) TPHCM cho biết, sau khi Chỉ thị 18 có hiệu lực, Sở GTVT có văn bản để giải quyết vấn đề lưu thông theo nhu cầu của người dân.
Cụ thể, từ 8 giờ ngày 2/10 đến 15 giờ ngày 4/10, Sở đã nhận 6.937 đơn đề nghị đi các tỉnh để đưa người thân, con cái về TPHCM. “Đến 15 giờ hôm nay, đơn vị đã phản hồi, giải quyết 2.590 đơn hoàn toàn bằng thủ công. Do nhiệm vụ mới, Sở không kịp chuẩn bị về mặt công nghệ. Đến nay, lượng đơn tăng hàng giờ, chứng tỏ nhu cầu của bà con rất lớn” - ông An nói.
Theo ông An, dù UBND TPHCM đã có văn bản gửi các tỉnh nhưng việc qua lại giữa các chốt ở các tỉnh chưa được thuận lợi nên xảy ra tình trạng mắc kẹt. Sở GTVT vừa phải tương tác với người dân do khai báo thông tin trong đơn không chính xác, vừa phải liên hệ với CSGT và các tỉnh để giải quyết cho người dân.
Sở GTVT có một tổ 40 người đang xử lý yêu cầu trên email. Thời gian tới, đơn vị sẽ hướng dẫn người dân điền thông tin trên website của Sở và giải quyết trực tiếp bằng tài khoản Zalo để bà con di chuyển thuận lợi.
TPHCM đang thiếu nhiều lao động sau dịch COVID-19 |
Thông tin về tình hình lực lượng lao động trên địa bàn Thành phố, ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết, trước ngày 1/10, khu chế xuất, khu công nghiệp TP có khoảng 288.000 người lao động. Trong số đó, khoảng hơn 70.000 lao động làm việc theo chế độ “3 tại chỗ” hoặc “2 điểm đến, 1 cung đường”.
Từ ngày 1/10 đến nay, trong 70.000 lao động “3 tại chỗ” đã giảm xuống còn 45.000. Sau đó, có khoảng 33.000 người lao động đăng ký mới. Các lao động “3 tại chỗ” chuyển thành bình thường mới, và tiếp tục được bổ sung thêm khoảng 57.000 người.
Tại khu công nghệ cao, trước ngày 1/10, có khoảng 50.000 lao động. Trong đó, 25.000 lao động hoạt động theo chế độ “3 tại chỗ” hoặc “2 điểm đến, 1 cung đường”. Sau ngày 1/10, khu công nghệ cao đã làm việc với các doanh nghiệp để rà soát xem ai có nhu cầu thì tiếp tục tuyển dụng.
“Điều đặc biệt là trong 50.000 lao động của khu công nghệ cao thì 40.000 người ở TPHCM, khoảng 10.000 người còn lại đa phần ở 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Khu công nghệ cao đang khẩn trương mời gọi, tuyển dụng để có thêm người lao động” - ông Hải nói.
Số người lao động đang làm việc tại khu chế xuất, khu công nghiệp tại TPHCM tính đến nay là 135.000 người, chiếm 46% tổng lao động. Hiện, các khu chế xuất, khu công nghiệp đang rà soát để tuyển dụng, bổ sung nguồn lao động.