Trong lễ tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2016-2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ sẽ công bố phương án thi 2017 vào đầu năm học mới sắp tới. Theo đó, đối với việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp, Bộ dự kiến sẽ giao cho các Sở GD&ĐT dưới sự chỉ đạo của UBND các tỉnh/thành phố. Bộ sẽ ban hành quy chế thi và có thể ra đề thi.
Cách thức ra đề thi cũng dự kiến với 5 bài thi. Trong đó, 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ; 2 bài thi còn lại là tổng hợp các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Ngoài 3 môn thi bắt buộc, thí sinh có quyền lựa chọn một trong 2 bài thi khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên để làm bài. Dự kiến bài thi theo định dạng tổng hợp ở kỳ thi THPT sẽ được thiết kế để thi trên giấy.
Về tuyển sinh ĐH, đa số các trường trong đó có các ĐH tốp đầu như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương đều mong muốn Bộ GD&ĐT vẫn đứng ra tổ chức một kỳ thi chung để các trường lấy kết quả xét tuyển. Hiện đang có hai phương án tuyển sinh ĐH được đưa ra, đó là Bộ GD&ĐT đứng lên tổ chức một kỳ thi chung, các trường có thể tự nguyện tham gia lấy kết quả xét tuyển, nhưng phải sử dụng chung một phần mềm do Bộ quy định để tránh tình trạng ảo như năm 2016. Hoặc các trường đứng ra tự tổ chức một kỳ thi nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không để xảy ra tình trạng luyện thi; thí sinh phải di chuyển về các thành phố lớn để thi như trước đây.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng vừa ban hành dự thảo sửa đổi Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học. Sau hai năm triển khai thực hiện không chấm điểm đối với học sinh tiểu học, ngành giáo dục vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong quá trình thực hiện Thông tư 30. Theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, Thông tư sửa đổi sau khi được đưa ra lấy ý kiến đóng góp, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu và ban hành thực hiện trong học kỳ I năm học 2016-2017.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, trong năm học mới 2016-2017, Bộ sẽ hoàn thành các văn bản hướng dẫn Luật giáo dục ĐH. “Trong đó, có các văn bản mới lần đầu tiên được quy định như phân tầng xếp hạng ĐH, Thông tư ban hành trường ĐH chuẩn quốc gia…”, bà Phụng khẳng định. Năm học mới, Bộ GD&ĐT sẽ đẩy mạnh tự chủ đối với 14 trường ĐH, CĐ đang thực hiện thí điểm theo NQ77 của Chính phủ…Ngày 30/8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo với một số trường ĐH để lấy ý kiến về quy định phân tầng xếp hạng ĐH.
Tuy nhiên, dư luận không khỏi băn khoăn về những thay đổi “chóng mặt” của Bộ GD&ĐT, nhất là việc thi cử quan trọng của HS lớp 12 ngay trong năm học này. Ngoài ra, vẫn không biết đến khi nào Bộ GD&ĐT công bố Chương trình tổng thể, Chương trình bộ môn đối với Đề án Chương trình - Sách giáo khoa mới. Trong khi đó, theo lộ trình của Đề án được Chính phủ phê duyệt, thì sách giáo khoa mới sẽ được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ năm học 2018-2019 theo hình thức cuốn chiếu đối với 3 cấp học: tiểu học, THCS và THPT.