Giao quyền xét tốt nghiệp cho địa phương là bước đi đúng đắn

TP - Việc giao quyền xét tốt nghiệp cho các địa phương tạo được sự đồng thuận của nhiều người. Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, nội dung trên mới là kết luận tại buổi làm việc của Bộ trưởng và TPHCM, Bộ chưa ra quyết định nào cả. 

Theo vị này, trong khi nhiều địa phương cũng có ý kiến đề xuất giao quyền xét tốt nghiệp về các địa phương nhưng Bộ trưởng mới chỉ đồng thuận cho TPHCM tổ chức xét tốt nghiệp là dựa trên đề xuất của địa phương. Tuy nhiên, Bộ cũng đang xem xét phương án của TPHCM sau đó mới quyết định phương án cụ thể. 

“Khi giao quyền xét tốt nghiệp cho địa phương, các trường ĐH sẽ không lấy kết quả này để xét tuyển ĐH do đó phải có sự bàn bạc, thống nhất phương án cụ thể mới triển khai chứ không phải địa phương nào muốn cũng được xét tuyển ngay”, lãnh đạo này nói.

Cũng theo lãnh đạo này, trước mắt Bộ lập một tổ công tác yêu cầu các địa phương, các trường ĐH gửi phương án phân tích về việc giao quyền tổ chức xét tốt nghiệp cho các địa phương, giải pháp xét tuyển ĐH trong năm tới. Sau đó, Bộ mới lựa chọn giải pháp phù hợp, lấy ý kiến cơ sở rồi mới triển khai thống nhất trong cả nước. “Bộ sẽ sớm công bố phương án để học sinh biết trước năm học mới chính thức bắt đầu”, vị này nói.

Giao quyền cho địa phương là đúng đắn

Việc giao quyền xét tốt nghiệp cho các địa phương tạo được sự đồng thuận của nhiều người. Tại cuộc giao ban trực tuyến giữa Bộ và 63 tỉnh/ thành phố mới đây, lãnh đạo TP Cần Thơ cũng kiến nghị Bộ giao quyền thi xét tốt nghiệp cho địa phương.

Ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng, qua kỳ thi THPT quốc gia năm nay các địa phương đã làm tốt việc tổ chức thi, Bộ nên giao việc xét tốt nghiệp cho các địa phương chủ động.

Ông Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh  thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, lâu nay trong các buổi làm việc, ông luôn gợi ý cho ngành giáo dục theo hướng giao quyền xét tốt nghiệp cho các địa phương.

“Với tỉ lệ học sinh tốt nghiệp tại các địa phương luôn cao, Bộ không nhất thiết phải tổ chức một kỳ thi chung tốn kém. Thứ hai, qua năm vừa rồi tổ chức thi, các địa phương đã chứng tỏ họ đủ năng lực tổ chức thi, giám sát, chấm thi đảm bảo minh bạch, khách quan”, ông Thi nói.

Khẳng định các địa phương đủ năng lực để đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi xét tốt nghiệp, ông Thi cho rằng việc Bộ giao quyền cho địa phương là bước đi đúng đắn. Về lộ trình, bộ có thể ra quyết định giao ngay cho tất cả các địa phương hoặc thận trọng cho 1 số địa phương thí điểm trước rồi mới nhân rộng ra cả nước.

 Như vừa rồi, TPHCM chủ động trình phương án xin được tự xét tốt nghiệp, Bộ xét thấy địa phương có điều kiện tốt để tổ chức dạy học, quản lý, đánh giá chất lượng, thi cử… nên bộ đồng tình. “Tách phương án thi xét tốt nghiệp và giao quyền xét tuyển ĐH cho các trường chủ động là việc ngành giáo dục nên làm”, ông Thi nói.

Tuy nhiên, theo ông Thi Bộ nên chuẩn bị ngân hàng đề thi phục vụ cho việc thi xét tốt nghiệp để các địa phương lựa chọn. Khi đó, cả nước không cần áp dụng một đề thi chung. Ông Thi khẳng định: “Các địa phương có đủ năng lực để ra đề nhưng áp dụng ngân hàng đề thi nhằm tránh sai sót, rủi ro hơn”.

Khi địa phương áp dụng tự xét tốt nghiệp, các cơ sở ĐH sẽ không lấy kết quả đó để xét tuyển mà nên tổ chức một bài thi đánh giá năng lực như ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn làm mấy năm lại đây. Điều đó, giúp các trường ĐH đánh giá năng lực học sinh sát với thực tiễn và có cơ sở khoa học hơn. 

Ông Thi cho rằng, hiện nay, ĐH Quốc gia áp dụng thi đánh giá năng lực vẫn có phần khập khiễng khi học sinh vẫn học chương trình, sách giáo khoa nặng về truyền thụ kiến thức trong khi thi lại chú trọng đánh giá năng lực. 

Vì thế, việc các địa phương tự xét tốt nghiệp, các trường ĐH tổ chức thi đánh giá năng lực học sinh sẽ càng hợp lý hơn khi 2 năm nữa, Bộ áp dụng chương trình sách giáo khoa mới được đưa vào giảng dạy, học tập sẽ tạo được sự đồng bộ giữa học tập và thi cử.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.