Ông Trần Hàn Vũ, Hiệu trưởng trường THPT Tư thục Phạm Văn Đồng, chia sẻ: Năm học vừa rồi, cả trường chỉ có 22 học sinh, trong đó có 7 học sinh lớp 12 vừa đăng ký thi xét tốt nghiệp và 15 học sinh lớp 11. Không có học sinh lớp 10.
Số học sinh của trường ngày một ít dần, nhất là từ năm 2010 khi tỉnh Quảng Nam áp dụng công tác xét tuyển thay cho thi tuyển thì các trường tư thục như trường Phạm Văn Đồng hầu như rất ít học sinh. Năm học 2014 – 2015, cả trường có 3 lớp cho ba khối 10, 11, 12. Mỗi lớp chỉ vài em, nhiều thì 15 em/lớp, có lớp chỉ dăm bảy em.
Năm 2015 – 2016, cả trường chỉ còn có 22 học sinh. Học sinh ít, nhưng trường vẫn thực hiện dạy đủ 13 môn và dạy kèm phụ đạo cho những học sinh yếu.
Lâu lắm rồi trường không có tin vui học sinh đậu ĐH, CĐ, từ khi em Dương Thị Hằng là học sinh lớp 12 của trường năm học 2014 – 2015, hiện đang là sinh viên năm 2 ĐH Kinh tế quốc dân. Hầu hết các em đăng ký thi THPT quốc gia cũng chỉ đăng ký xét tốt nghiệp. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, trường có 7 em đăng ký, cùng với 3 em bị rớt năm trước nên thi lại. Tất cả 10 em đều chỉ đăng ký xét tốt nghiệp chứ không xét tuyển ĐH, CĐ.
Trường THPT Tư thục Phạm Văn Đồng thành lập từ năm 2000, trước là trường dân lập, từ năm 2004 đổi thành tư thục. Trường có 6 giáo viên cơ hữu ký hợp đồng dài hạn, 5 cán bộ CNVC. Ngoài ra còn thuê giáo viên các trường về dạy thỉnh giảng.
Học sinh đến từ các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên…Ban đầu học sinh đăng ký học ở trường rất đông khoảng 400 – 500 em, trường phải bố trí xây thêm phòng học. Hiện tại có 9 phòng, nếu dạy hai ca đủ cho 18 lớp học. Nhưng số học sinh đăng ký học lớp 10 tại trường ngày một ít dần.
Học sinh ít nên việc hạch toán chi tiêu của trường năm nào cũng âm. Học phí quy định của trường là 500.000 đồng/ tháng/ em. Đối với học sinh nghèo được miễn giảm học phí, ở xa thì tạo điều kiện cho nơi ăn ở…, vì sợ học sinh bỏ học.
Ông Vũ chia sẻ, vừa rồi họp HĐQT, nếu duy trì dạy trong năm tới, ngoài khoản đóng góp của phụ huynh thì trường phải bù thêm 40 triệu đồng nữa để trả cho giáo viên dạy và các khoản chi trong năm học. Các giáo viên cơ hữu đều ký hợp đồng dài hạn với trường, nhưng do học sinh quá ít nên quy thành tiết để trả tiền. Mỗi tiết học 35.000 đồng.
Năm học 2016 - 2017, trường bắt đầu tuyển sinh từ ngày 15/7, nhưng hiện vẫn chưa có hồ sơ nào đăng ký. “Trường cũng đang nằm trong diện giải tỏa để làm khu công nghiệp. Phương án sắp tới, nếu tuyển sinh không được nữa thì sẽ ngừng hoạt động, tuyên bố giải thể và 15 em học sinh lớp 12 sẽ gửi sang trường khác để tiếp tục hoàn thành chương trình THPT” - ông Vũ nói.