TPHCM sẽ tự công nhận tốt nghiệp ra sao?

Nếu được Bộ GD&ĐT đồng ý, có thể từ năm sau học sinh TPHCM sẽ không còn thi chung với cả nước. Ảnh: N.D.
Nếu được Bộ GD&ĐT đồng ý, có thể từ năm sau học sinh TPHCM sẽ không còn thi chung với cả nước. Ảnh: N.D.
TP - Nếu đề án TPHCM tự công nhận tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT chấp thuận thì ngay từ năm học này, TPHCM sẽ chính thức áp dụng. Đây là tín hiệu tốt cho ngành giáo dục, song nhiều người vẫn băn khoăn vì đến thời điểm hiện tại kế hoạch, nội dung cụ thể thực hiện ra sao vẫn chưa có gì rõ ràng, trong khi năm học mới đã cận kề.

“Nếu vẫn thi 2 trong 1 thì rất khó thực hiện”

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, Bộ GD&ĐT vừa cho phép TPHCM được tự thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Cụ thể, nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh. Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá chung, giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp, dưới sự giám sát của Bộ GD&ĐT.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, việc TPHCM được tự tổ chức thi và xét tốt nghiệp cho học sinh cuối bậc THPT hiện chỉ mới được Bộ GD&ĐT đồng ý về mặt chủ trương, còn lộ trình và cách thực hiện như thế nào thì phải chờ quyết định chính thức mới thực hiện. Sở GD&ĐT cũng mới trình phương án và nếu được chấp thuận thì TPHCM sẽ bắt đầu thực hiện ngay trong năm học này.

“Đề án chỉ thực hiện khi có sự tách biệt giữa kỳ thi THPT Quốc gia và thi Đại học khác nhau. Nếu thi 2 trong 1 như hiện nay thì rất khó thực hiện”. 

Một lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM 

“Trước mắt, Sở sẽ có 2 phương án, một là thi theo đề thi do Bộ GD&ĐT quy định; hai là tự ra đề thi. Nếu tự ra đề thi, cơ cấu các môn thi có thể gồm các môn cơ bản như 2 môn Văn, Toán hoặc 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ và môn tự chọn. Đề thi cũng sẽ ra theo hướng giảm nhẹ, phù hợp với năng lực học tập thực tế của học sinh”, ông Đạt cho biết.

Nếu thực hiện theo phương án trên, TPHCM sẽ làm việc với các trường đại học về chủ trương này vì đa số các trường đại học tập trung tại TPHCM. Nếu các trường đại học muốn thêm một kỳ kiểm tra trình độ học sinh nữa thì có thể làm theo phương án của Đại học Quốc gia Hà Nội, tức là có một bài khảo sát theo hướng đánh giá tư duy, năng lực học sinh…

Trong khi đó, một lãnh đạo khác của Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: “Hiện Sở vẫn tiếp tục hoàn thiện đề án để trình Bộ chấp thuận. Căn cứ của đề án là dựa vào quy chế thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Tuy nhiên, đề án chỉ thực hiện khi có sự tách biệt giữa kỳ thi THPT Quốc gia và thi Đại học khác nhau. Nếu thi 2 trong 1 như hiện nay thì rất khó thực hiện”.

Vẫn băn khoăn về cách làm

Nói về chủ trương TPHCM được tự công nhận tốt nghiệp THPT, PGS- TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho rằng, đào tạo từ phổ thông đến đại học là theo chương trình có sẵn nên việc TPHCM tự công nhận tốt nghiệp THPT là bình thường và không có gì lạ.

“Hiện chưa có phương án chung nhưng TPHCM cũng sẽ dựa vào cái chung để xét công nhận tốt nghiệp chứ không phải cái riêng gì hay tiêu chuẩn khác. Nếu TPHCM tổ chức xét công nhận tốt nghiệp riêng mà không tham gia kỳ thi 2 trong 1 như hiện nay thì có thể các trường sẽ phải thêm nhiều căn cứ mới để tuyển chọn thí sinh bao gồm tiêu chí cho học sinh cả nước và tiêu chí riêng cho học sinh của TPHCM”, ông Sen nói.

Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt, quận Tân Phú cho rằng, việc TPHCM tự công nhận tốt nghiệp THPT là phù hợp và cần tiến tới để các Sở GD&ĐT địa phương cũng làm như thành phố, còn việc tuyển sinh nên để các trường đại học tự chủ.

“Việc thi tốt nghiệp THPT bây giờ không còn nhiều ý nghĩa khi tỷ lệ đỗ quá cao, cứ 100 em thi thì có hơn 90 em đỗ. Bên cạnh đó, kỳ thi do Bộ GD&ĐT ra đề nhưng cấp bằng thì Sở GD&ĐT cấp nên cũng mang tính địa phương”,ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, việc để TPHCM tự xét công nhận tốt nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi như tăng tính tự chủ địa phương, tiết kiệm chi phí đi lại, đúng ý nghĩa của kỳ thi và mang được đặc thù. Tuy nhiên, về áp lực học tập thì cơ bản cũng sẽ không giảm bởi đây là nhu cầu của xã hội, áp lực việc làm và đặc biệt là tâm lý người Á Đông…”, ông Hiếu nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú cho rằng, việc TPHCM tự xét tốt nghiệp là tốt song còn tùy thuộc vào cách làm như thế nào?

Theo ông Độ, nếu TP tổ chức một kỳ thi riêng để công nhận tốt nghiệp THPT trong khi cả nước vẫn thi 2 trong 1 thì chỉ làm thêm phức tạp, nhiêu khê bởi học sinh vẫn phải tham gia thêm kỳ thi nữa để vào các trường đại học. Bên cạnh đó, đề thi như thế nào cũng là vấn đề bởi nếu đề thi dễ, tỉ lệ tốt nghiệp cao thì các địa phương khác so bì, nếu đề khó thì tỉ lệ rớt tốt nghiệp lại cao… 

“Theo tôi, sau khi kết thúc chương trình lớp 12, dựa trên quá trình học tập trong nhà trường và đánh giá của giáo viên, hiệu trưởng các trường làm danh sách đề xuất xét tốt nghiệp gửi Sở GD&ĐT xét duyệt. Nếu lúc đó vẫn còn kỳ thi 2 trong 1 thì học sinh đậu tốt nghiệp có thể tham gia kỳ này, còn nếu do các trường đại học tự chủ trì thì học sinh muốn vào trường nào thì thi trường đó…”, ông Độ nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.