Sáng nay, 23/12, tại TPHCM, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tổ chức Hội thảo cơ chế chính sách phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và lãnh đạo 8 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, GS TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cho rằng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tạo ra hơn 50% GDP cả nước, trình độ phát triển cao nhất cả nước nhưng thể chế hoạt động của các vùng kinh tế còn bất cập vì chưa có hai “cấu trúc lõi” là cơ sở quyền lực và nguồn lực kinh tế.
“Vùng không phải là đơn vị hành chính. Dưới trung ương là các tỉnh. Nguồn lực kinh tế, chẳng hạn như quỹ đất là của các tỉnh. Vùng không phải là các tỉnh cộng lại song thực tế là quy hoạch vùng hiện nay chủ yếu là làm theo kiểu quy hoạch các tỉnh, thành phố ghép vào nhau”, TS Thiên cho biết.
Theo ông Ngô Đông Hải, phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, hiến pháp và các quy định pháp luật chưa quy định về cấp chính quyền trung gian giữa trung ương và tỉnh như vùng kinh tế. Cơ chế trung gian của vùng dựa trên cơ chế tự nguyện, đồng thuận.
Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng cho biết, cơ chế phối hợp toàn vùng còn mang tính hình thức, thiếu chặt chẽ trong tổ chức thực hiện. Cơ chế phối hợp trong bố trí nguồn lực chưa hiệu quả.
“Chủ tịch UBND TPHCM đang là chủ tịch hội đồng vùng nhưng không thể điều phối được các tỉnh trong khu vực. Vẫn chưa có cơ chế rõ ràng, ràng buộc. Nếu vẫn như hiện nay thì không bao giờ có một cơ chế bền vững cho vùng bởi tỉnh nào, địa phương nào cũng được giao nhiệm vụ, chỉ tiêu. Người ta không thể hy sinh lợi ích của địa phương để đảm bảo lợi ích của vùng”, ông Thăng nói.
Bí thư Thành uỷ TPHCM nêu rõ: Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần cụ thể hoá các nhiệm vụ, đề xuất cho được quy chế, cơ chế liên kết vùng. Chủ tịch Hội đồng vùng điều phối thì các tỉnh phải nghe chứ cứ bắt tay vui vẻ “cứ thế nhé” rồi rồi đâu vào đấy thì không giải quyết được. Quy hoạch phát triển vùng phải cho từng ngành, từng lĩnh vực chứ không thể mỗi ông làm một kiểu, dẫn đến phân tán, chồng chéo, gây cản trở cho sự phát triển.