Không nằm trong danh sách 61 cơ sở ẩm thực được Sở Du lịch Đà Nẵng giới thiệu cho Ủy ban quốc gia APEC 2017, nhưng cả tuần nay, các đoàn đại biểu liên tục tìm đến nhà hàng. Chị Uyên cho biết: “Đầu tiên là đoàn của Singapore, tiếp đó là Nhật Bản và Hồng Kông (Trung Quốc), Úc. Tới đây cũng có một vài đoàn đặt vào những ngày cuối của hội nghị. Tôi cũng hơi bất ngờ khi đại biểu APEC đặt bữa dù nhà hàng vẫn thường xuyên phục vụ những đoàn khách cao cấp”. Chị nói thêm, các đoàn chọn nhà hàng của chị qua thông tin và đánh giá trên Tripadvisor, hoặc từ những thực khách từng tới quán giới thiệu.
Trước khi đặt bữa, các đoàn đều lưu ý rằng họ là đại biểu dự APEC nên kết thúc công việc trễ, do đó tới sẽ muộn và không có nhiều thời gian để thưởng thức món ăn như thường ngày. “Nhà hàng không nhận khách sau 20h, nhưng biết đặc thù công việc của họ như vậy nên toàn thể nhân viên đều cố gắng hết sức. Hơn nữa đây cũng là niềm vinh dự của nhà hàng, nếu mình phục vụ tốt, thì hình ảnh về con người, ẩm thực, dịch vụ và văn hóa sẽ đẹp đẽ hơn trong mắt các đại biểu”, chị Uyên nói.
Nhà hàng có 3 thực đơn, gồm các món ăn Việt truyền thống, hiện đại và món chay do chị làm bếp trưởng. Trước khi vào bếp, chị chu đáo hỏi lại trưởng đoàn về sở trường của từng người, những thực phẩm mà họ “kỵ” để chuẩn bị tốt hơn. Một vài trường hợp đề xuất những món không có trong thực đơn, hoặc yêu cầu không dùng một số loại rau củ, thịt… thì nhà hàng vẫn chiều ý. Nhưng dù linh hoạt thêm bớt cỡ nào, chị vẫn kiên quyết giữ lại hương vị Việt Nam, nhất là trong các món đặc trưng như bún bò, gỏi cuốn, xôi, hay các món có sử dụng các loại mắm…
Đặc biệt, nhờ có kinh nghiệm từng sống ở nước ngoài (Nhật, Úc) nên chị hiểu rõ bữa ăn đối với họ không chỉ là việc “nạp năng lượng” đơn thuần mà qua đó đánh giá rất nhiều điều. Chị cho hay: “Tôi quán triệt nhân viên phải chú ý từng ly từng tí, từ cách bày biện món, bưng thức ăn, đặt thức ăn sao cho phù hợp với ánh nhìn, thậm chí để ý ai thuận tay nào mà sắp bát đĩa cho phù hợp. Riêng về khoản tiếp xúc, không phải nhân viên nào cũng được nói chuyện và trao đổi lâu với các đại biểu, chỉ những người nói tiếng Anh tốt, còn lại phải tôn trọng sự riêng tư của họ… Tôi không chỉ muốn các đại biểu APEC hài lòng về món ăn mà còn muốn họ đánh giá cao sự nhiệt tình, chuyên nghiệp và hội nhập của người Việt Nam nữa”.
Chia sẻ về những đoàn đại biểu APEC đã tới, chị cho hay họ đều tỏ ra hài lòng với các món ăn, ưng ý cách phục vụ và không gian của nhà hàng. Tuy nhiên một số đoàn quá mệt mỏi vì kết thúc công việc muộn nên dùng bữa rất gấp gáp rồi ra về. “Thời gian diễn ra hội nghị, chúng tôi luôn trong tình trạng lên dây cót sẵn sàng phục vụ các đại biểu. Các món ăn được nấu tinh tế, kỹ càng hơn. APEC là niềm vinh dự của Đà Nẵng và cả nước, vì vậy mình phải góp phần để tạo ấn tượng đẹp đẽ, khó quên trong mắt đại biểu”, chị Uyên nói.
Chị Lê Hạ Uyên từng là “đại sứ” ẩm thực Việt, đặc biệt là ẩm thực miền Trung (Tiền Phong từng có bài viết “Cô gái đưa bánh xèo, bún mắm ra thế giới”) với trang web danangcuisine.com, làm foodtour giới thiệu món ăn. Chị cũng trả lời phỏng vấn cho tờ Weekend Weekly (Hồng Kông) về du lịch và ẩm thực Đà Nẵng, là nhân vật xuyên suốt câu chuyện ẩm thực trong bài In Da Nang, Vietnam, Looking to the Future của tờ New York Time. Sau này, chị tiếp tục có mặt trên kênh truyền hình ẩm thực AFC...
Ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho hay, trong thời gian diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC, Sở Y tế lập các tổ thường trực kiểm tra, giám sát và bố trí cán bộ thường trực giám sát, yêu cầu các khách sạn, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh ẩm thực phải đảm bảo và chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc.