Đây là những kiểu tư duy hết sức đáng lo ngại nhưng lại đang tồn tại trong thực tiễn đời sống.
Vài hôm trước, phía công ty này đã thanh minh trên báo chí rằng “Lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả nhận thức sâu sắc đã không xem xét kỹ các khía cạnh của pháp luật khi mời ông Hồ Nghĩa Dũng tham gia vào HĐQT khiến dư luận đánh giá không tốt, dễ suy diễn theo hướng tiêu cực về quá trình công ty triển khai dự án. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc qua sự việc này và thành thật nhận khuyết điểm, xin lỗi người dân”.
Biện pháp chữa cháy truyền thông này của phía Công ty Đèo Cả như đá ném ao bèo không khiến dư luận quan tâm. Bởi, cho dù như thế nào đi chăng nữa, cho dù có lâm vào hoàn cảnh tình ngay lý gian hay không, thì rõ ràng uy tín của ông Hồ Nghĩa Dũng đã sứt mẻ, lưng vơi, khó bề lấy lại.
Tuy nhiên, đây không chỉ là câu chuyện riêng của ông Hồ Nghĩa Dũng. Trước ông Dũng, có ít nhất hai quan chức trước khi về hưu có những động thái rất kỳ lạ khiến dư luận giật mình.
Thứ nhất, vụ ký bổ nhiệm hàng loạt cán bộ thuộc Thanh tra Chính phủ trước khi về hưu của ông Trần Văn Truyền - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ.
Thứ hai, vụ nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM - ông Nguyễn Thành Rum- ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ trong vòng hai tuần trước khi về hưu.
Trên thực tế, có những cán bộ lãnh đạo vẫn giữ tư duy “về hưu nghĩa là hết, là không còn trách nhiệm gì”. Hay nói một cách chua chát hơn, đó chính là “tư duy cú chót”, tư duy “lo hậu vận về sau”.
Chính từ tư duy “cú chót”, khi vẫn còn quyền lực trong tay những cán bộ lãnh đạo này sẽ vung vít quyền hạn như một đặc ân để ban phát cho người này, để ra ơn cho người khác hay chỉ để nhằm “sau này anh về hưu, còn được người nhớ ơn”. Hoặc đơn giản hơn chỉ là “Sao bà không nói tôi tuổi con trâu” trong truyện ngụ ngôn.
Ngoài tư duy “cú chót”, không ít cán bộ lãnh đạo còn có tư duy về hưu là “tác tùy nghi” ưa chi làm nấy. Về hưu, họ có những phát ngôn không tài nào hiểu được. Họ nói rất nhiều về những vấn đề đang tồn tại, những yếu kém khách quan của ban ngành này, cơ quan đơn vị nọ. Thậm chí, là chính đơn vị họ từng làm lãnh đạo.
Đó là kiểu nói lấy được, nói không vì tinh thần xây dựng, nói để thỏa mãn cái vị kỷ của chính họ. Bởi, nếu họ đã phát hiện ra những vấn đề còn tồn tại thì sao khi đương nhiệm họ không giải quyết?
Cũng không hiếm có cán bộ lãnh đạo trước khi về hưu, luôn tìm rất nhiều cách để gây khó khăn cho người kế nhiệm.
Bấy lâu nay, phụ thuộc vào mối quan hệ chằng chịt giữa người về hưu và người đương chức (lắm lúc là, “Quan thầy thoái triều, lại điều đệ tử”), nên những sai phạm của cán bộ lãnh đạo về hưu thường được cho qua theo quan điểm “ốm tha, già thải”.
Tuy nhiên, cứ như thế này mãi thì cái tư duy “cú chót” hay “tư duy về hưu” sẽ mãi còn tồn tại. Và hậu quả khủng khiếp hơn những thiệt hại về vật chất lẫn những tờ quyết định bổ nhiệm chính là sự xói mòn về lòng tin của nhân dân.
Dân dĩ vi bản và lòng tin nơi dân đã xói mòn thì không gì có thể cứu vãn được.