Từ chức đang dần phổ biến

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, để việc từ chức trở thành một tiền lệ cần tiếp tục thực hiện nghiêm, đồng bộ các quy định của Đảng. “Nếu chúng ta kiên trì, làm nghiêm thì đến một lúc nào đó, văn hóa từ chức có thể sẽ được hình thành”, ông nói.
Từ chức đang dần phổ biến ảnh 1
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh

Dần hình thành

Sau gần 4 tháng thực hiện Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị, một số cán bộ ở trung ương và địa phương đã từ chức sau khi bị kỷ luật. Điều này dường như cho thấy, việc từ chức đang dần dần trở thành tiền lệ, ông nghĩ sao?

Trước đây, từ chức là một cái gì đó rất khó khăn, nặng nề; thậm chí có người bị kỷ luật, không còn uy tín nhưng vẫn cố bấu víu giữ “ghế” bằng mọi cách. Chưa kể có một bộ phận còn có suy nghĩ: “Tổ chức có nói gì đâu mà mình lại xin từ chức, mình từ chức là mình dại”.

Tuy nhiên, sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41 (tháng 11/2021) về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo Kết luận số 20 (tháng 9/2022) đã bổ sung đầy đủ các quy định, tạo sức ép để buộc những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp từ chức. Trường hợp không tự giác xin nghỉ thì sẽ bị miễn nhiệm, cắt chức, mất hết danh dự và uy tín.

Nhờ những quy định trên, đến nay đã có 3 ủy viên Trung ương Đảng thôi tham gia Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII. Thời gian tới, với những gì đã đạt được, tôi tin, chủ động xin từ chức sau khi bị kỷ luật sẽ trở thành tiền lệ, thậm chí chưa có mức án kỷ luật cũng đã chủ động xin từ chức để nhận trách nhiệm chính trị, trách nhiệm người đứng đầu trước những vi phạm, khuyết điểm xảy ra ở cơ quan, đơn vị mình.

“Quy định số 41 và Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị đã phát huy được tính hiệu quả. Không chỉ những người bị kỷ luật mà ngay cả những người do áp lực công việc, tự thấy không gánh vác được nhiệm vụ nữa thì cũng xin chuyển công tác để nhường ghế cho người xứng đáng hơn. Trường hợp ông Nguyễn Văn Thể xin thôi làm Bộ trưởng Bộ GTVT để chuyển sang làm Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương là một tín hiệu tích cực. Đây cũng là việc cần nhân rộng để mỗi cán bộ, đảng viên tự lượng sức được mình, gánh chiếc “ghế” quá lớn nhưng không làm được việc sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Trong việc thực hiện quy định từ chức, có dấu hiệu tích cực là “trên nóng, dưới cũng nóng theo”; nhiều cán bộ ở địa phương sau khi bị kỷ luật cũng đã chủ động xin rút lui khỏi chiếc “ghế” đang ngồi. Điều gì dẫn đến kết quả đó, theo ông?

Đó là sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, “trên nghiêm, dưới cũng phải nghiêm theo” mà Đảng ta đã làm được qua công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hơn nữa, vừa qua, chúng ta đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giúp “truyền lửa” tinh thần đấu tranh “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” từ Trung ương xuống các địa phương. Vì thế, đến nay, theo tôi biết, cũng đã có nhiều lãnh đạo các địa phương là phó bí thư thành ủy, lãnh đạo quản lý các cấp xin từ chức sau khi bị kỷ luật.

Làm sao để tiến tới hình thành văn hóa từ chức hay nói đúng hơn là chưa bị kết luận, chưa bị kỷ luật đã chủ động xin từ chức để nhận trách nhiệm?

Cần phải có thời gian. Thứ nhất là chúng ta tiếp tục kiên trì thực hiện nghiêm Quy định 41 và Thông báo Kết luận số 20. Chúng ta thực hiện nghiêm, đồng bộ, bài bản nên tạo ra kết quả bước đầu. Nếu Đảng và các cơ quan nhà nước làm nghiêm, thì cán bộ, đảng viên sẽ thấy: nếu không chủ động xin từ chức thì sẽ chẳng còn “rút lui trong danh dự”.

Thứ hai, cần tăng cường sự nêu gương của cán bộ quản lý, người đứng đầu trong thực hiện quy định của Đảng - tức là tự giác xin từ chức, không cần đợi cấp ủy, tổ chức gợi ý, nhắc nhở. Nếu chúng ta làm tốt thì dần dần sẽ lan tỏa được điều đó. Tôi tin rằng, nếu chúng ta tiếp tục làm nghiêm, làm mạnh, làm kiên trì, đến một lúc nào đó, văn hóa từ chức sẽ được hình thành.

Từ chức đang dần phổ biến ảnh 2

Tại Hội nghị lần thứ sáu, Trung ương thống nhất cho 3 ủy viên thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Thấy gì qua việc nhiều ủy viên Trung ương bị kỷ luật?

Chưa đầy 2 năm sau Đại hội XIII của Đảng, nhiều ủy viên Trung ương Đảng đã bị kỷ luật, thậm chí có thể nói chưa bao giờ nhiều như nhiệm kỳ này. Theo ông, có điều gì cần phải suy nghĩ, rút ra bài học trong công tác cán bộ không?

Thứ nhất là phải khẳng định, việc nhiều ủy viên Trung ương bị xử lý kỷ luật cho thấy sự hiệu quả trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Thực hiện tốt công tác này, theo đúng tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai” cho thấy tính nghiêm minh trong xử lý, kỷ luật của Đảng.

Đặc biệt, sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, của các cơ quan tư pháp, thanh tra, kiểm toán… đã làm “lộ sáng” những “khoảng tối” của một bộ phận quan chức mà trước đây chúng ta chưa phát hiện ra, hoặc có sự nể nang nên xử lý chưa dứt điểm.

Điều thứ hai - cũng là điều hết sức trăn trở là những vi phạm xảy ra đúng thời điểm đại dịch COVID-19 - khi mà người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn thì lại có không ít người lợi dụng “chiếc ghế” quyền lực để trục lợi. Những cán bộ đó đã không kiềm chế được lòng tham, không vượt qua được cám dỗ, không vượt qua được chính mình để rồi sa ngã. Như vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu, rồi tham nhũng trong chứng khoán, trái phiếu…

Tuy nhiên, cũng phải khách quan nhìn nhận rằng, đa số cán bộ là tốt. Để được Đảng, Nhà nước giao cho các trọng trách lớn, họ đều phải trải qua quá trình rèn luyện, thử thách đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn. Trước lúc được bổ nhiệm, đa số đều là những con người “sạch”, có tinh thần phụng sự, cống hiến. Đến khi có cương vị, có quyền lực thì lại không vượt qua được cám dỗ, dẫn đến sa ngã, “nhúng chàm”.

Vậy nên, vấn đề quan trọng là phải “nhốt quyền lực” vào cơ chế, quy định; mọi quyền lực đều phải được kiểm soát. Khi anh có quyền lực, anh rất dễ bị tác động bởi các cám dỗ vật chất, lợi ích vây quanh, nếu không có cơ chế kiểm soát, không có bản lĩnh, rất dễ sa ngã. Đây là bài học lớn cho tất cả đội ngũ, cán bộ, công chức, chỉ cần một chút yếu lòng là sẽ sa ngã, phải trả giá rất đắt.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG