Công tác cán bộ ‘lên thì khó, nhưng xuống cũng không dễ’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Chúng ta cũng phải đặt ra một sức ép trong Đảng, trong xã hội, trong tổ chức, để cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, sai phạm”, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết khi phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII, chiều 6/12.

"Đúng vai, thuộc bài"

Tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cấp uỷ, tổ chức Đảng, cán bộ đảng viên nghiên cứu kỹ hai bài phát biểu rất quan trọng khai mạc và bế mạc tại hội nghị Trung ương 6 vừa qua.

Theo Thường trực Ban Bí thư, hai chuyên đề tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới là rất hệ trọng. Vì thế, trong quá trình tiến hành phải kiên định, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ.

Sau hội nghị này, Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cấp uỷ, tổ chức Đảng cần tiếp tục học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết Trung ương 6; đồng thời tuyên truyền, giới thiệu những mô hình, điển hình hay trong quá trình thực hiện, kịp thời phê bình các tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt; chú trọng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; khắc phục tình trạng nghị quyết thì rất hay, nhưng thực hiện thì rất là gay, vài năm sau xem lại vẫn còn nguyên giá trị…

Đối với những vấn đề thực tiễn đòi hỏi mà đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì kiên quyết đổi mới, thực hiện. Những vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, thực hiện thí điểm. Những chủ trương đã thực hiện nhưng không phù hợp thì nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi kịp thời.

Thường trực Ban Bí thư cho rằng, thực tế có những vấn đề dù thấy không hợp lý, nhưng bàn nhiều mà chưa sửa được. “Một thông tư của Bộ Y tế về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, đấu thầu, đấu giá, nhưng sửa mãi vẫn không được. Chỗ nào cũng nói thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, nhưng khi sửa thông tư để đẩy nhanh quá trình mua sắm, đấu thầu này lại làm rất chậm”, ông Võ Văn Thưởng viện dẫn.

Công tác cán bộ ‘lên thì khó, nhưng xuống cũng không dễ’ ảnh 1

Thường trực Ban Bí thư cùng các đại biểu tham dự hội nghị

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý không nóng vội nhưng cũng không để chậm, làm ảnh hưởng đến sự phát triển. “Nóng vội cũng không được, nhưng lấy lý do bàn kỹ, còn nhiều ý kiến khác nhau, rồi tiếp tục lắng nghe…thì đôi khi lại chậm, làm mất đi cơ hội, rồi cuối cùng người dân vẫn là người thiệt thòi nhất”, ông Võ Văn Thưởng lưu ý.

Tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư cũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước; khắc phục cho được tình trạng cấp dưới đi hỏi cấp trên những vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; hoặc cấp trên trả lời chung chung khi có vướng mắc.

“Chuyện của mình mà cứ đi hỏi cấp trên là hoàn toàn không đúng rồi. Nhưng khi có vướng mắc, hỏi các bộ, ngành lại để đến 3 tháng, 5 tháng, thậm chí 6 tháng mới trả lời 'đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật', lại càng không đúng”, ông Võ Văn Thưởng đề nghị phải làm rõ việc, rõ trách nhiệm từng cấp, từng khâu, đúng vai thuộc bài.

Ngã chỗ nào đứng dậy chỗ đó

Đề cập đến công tác cán bộ, Thường trực Ban Bí thư cũng nhấn mạnh phương châm “có vào có ra, có lên có xuống”. Theo ông, vấn đề này không phải bây giờ đã nói, mà đã được đề cập nhiều năm trước, nhưng cơ bản vẫn chưa thực hiện được. “Lên thì khó, nhưng xuống cũng không dễ, thậm chí còn khó hơn”, Thường trực Ban Bí thư nói. Tuy nhiên, sau quy định về từ chức, miễn nhiệm, rồi chủ trương bố trí lại cán bộ sau kỷ luật từ Kết luận 20 của Bộ Chính trị, đã bước đầu giải quyết được một số trường hợp, được dư luận xã hội đánh giá cao.

“Người ta cứ phê bình chúng ta là không có văn hoá từ chức. Nhưng cũng chẳng có ở đâu từ chức lại nâng lên thành văn hoá cả. Các thể chế chính trị khác, việc từ chức thường rơi vào hai trường hợp: Người ta có sai lầm trong công tác và có sức ép trong nội bộ đảng của họ. Như Thủ tướng Anh, ban đầu nói không từ chức, nhưng do sức ép trong nội bộ đảng là phải từ chức, đồng thời sức ép của dư luận xã hội, như vậy người ta mới từ chức. Chúng ta cũng phải đặt ra một sức ép trong Đảng, trong xã hội, trong tổ chức, để cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, sai phạm”, ông Võ Văn Thưởng nêu.

Thường trực Ban Bí thư cũng đề cập đến về các trường hợp Uỷ viên Trung ương bị kỷ luật cảnh cáo. Các nhiệm kỳ trước bị cảnh cáo vẫn làm, nhưng vừa qua đã cho những trường hợp bị cảnh cáo thôi Trung ương, đó cũng là một cách theo văn hoá của Việt Nam. “Nó là sức ép từ tổ chức, từ dư luận xã hội để cho công việc tốt hơn. Tôi tin rằng, với xu hướng này sắp tới cũng sẽ tốt hơn”, ông Võ Văn Thưởng cũng cho biết, tới đây cũng sẽ có chủ tịch UBND tỉnh từ chức để đảm nhận nhiệm vụ tốt hơn, theo tinh thần ngã chỗ nào thì đứng dậy chỗ đó.

Bên cạnh đó cũng có tình trạng tuy không bị kỷ luật, nhưng cảm thấy sức ép công việc rất nặng nề, không đảm đương được, mong muốn chuyển qua công việc khác sức ép công việc ít hơn. Nhấn mạnh “Đảng ủng hộ việc này”, Thường trực Ban Bí thư cũng đề cập đến trường hợp ông Nguyễn Văn Thể, Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT.

Ông Thể từng trả lời chất vấn và được Quốc hội đánh giá là bộ trưởng nắm việc rất chắc, có nhiều tiến bộ, Chính phủ cũng đánh giá có nhiều tiến bộ trong thực hiện công việc. Nhưng ông Nguyễn Văn Thể bày tỏ, cá nhân đã làm Bộ trưởng Bộ GTVT hơn một nhiệm kỳ rồi, công việc rất nặng nề, có thể sẽ có người khác đảm nhiệm cương vị này tốt hơn. Rồi ông Thể mong được Bộ Chính trị bố trí lại công việc cho phù hợp. “Tôi thấy tinh thần đó rất hay. Tư tưởng Nghị quyết lần này đã nêu ra việc đó”, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG