Đó là bà Lương Thị Oanh (SN 1972, người Nùng) - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp Ea Wy (xã Ea Wy, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk).
Bà Oanh quê ở Cao Bằng, năm 1990 cùng gia đình vào Đắk Lắk lập nghiệp. Để có cái ăn, gia đình bà đi làm thuê đủ nghề, đồng thời mướn thêm đất canh tác. Nhờ chăm chỉ cần cù, gia đình bà tích góp mua được mảnh đất rộng 1ha.
“Hồi trước ở quê đất ít, người đông nên cả nhà đưa nhau vào Tây Nguyên lập nghiệp. Những năm đầu, chúng tôi đi làm thuê, mỗi ngày được 20.000đ/công. Vất vả là vậy nhưng chúng tôi kiên trì, được 2 năm thì mua được mảnh đất với giá 200.000đ”, bà Oanh nhớ lại.
Bà Oanh làm giàu nhờ cây cà phê |
Bà Oanh cho biết thêm, thời điểm mua đất, nơi đây còn hoang vu lắm. Gia đình bà đã đổ nhiều mồ hôi, bỏ công sức khai hoang, phát dọn để trồng các loại cây ngắn ngày (bắp, lúa, sắn…), giải quyết vấn đề lương thực.
Thời gian sau, thấy cây cà phê cho thu nhập cao, gia đình bà quyết định trồng thử nghiệm. Theo bà Oanh, trước kia cà phê chưa trở thành hàng hóa, tự do giao thương như bây giờ. Tuy nhiên, bà nhìn thấy tiềm năng của loại cây này khi trở thành mặt hàng xuất khẩu.
Có được bao nhiêu tiền, bà Oanh lại dùng để mua đất, mở rộng diện tích canh tác. Đến nay, gia đình bà sở hữu trên 10ha đất trồng đủ loại cây công nghiệp, trong đó, cà phê vẫn là chủ lực.
Bà Oanh tâm sự, có thời điểm cà phê rớt giá xuống còn 2.000đ/kg, khiến nhiều nông dân bị vỡ nợ, chặt bỏ chuyển sang trồng cây khác. Riêng bà vẫn kiên định rằng sau khi “chạm đáy”, cà phê sẽ tăng trưởng trở lại. Do đó thời điểm cà phê xuống giá, bà Oanh đã trữ lại hàng, chờ khi giá tăng mới bán. Nhờ sự quyết đoán, bà Oanh đã “trúng lớn” trở thành nông dân làm giàu từ cây cà phê.
Nhiều năm gắn bó với cao nguyên Đắk Lắk, bà Oanh cũng nhận thấy địa phương có tiềm năng rất lớn phát triển cây công nghiệp, nhất là hồ tiêu và cà phê. Thế nhưng giá cả của những sản phẩm này luôn bị bấp bênh
Với mong muốn giúp bà con trong vùng thay đổi phương thức canh tác, hướng đến nâng cao chất lượng, giá trị cho cây cà phê, năm 2016, bà Oanh mạnh dạn nhận quản lý điều hành HTX sản xuất nông nghiệp Ea Wy.
Sản phẩm cà phê của HTX Sản xuất nông nghiệp Ea Wy được nhiều nhà rang xay lựa chọn |
Với cương vị là “thủ lĩnh” của HTX, bà Oanh đã định hướng cho các thành viên thay đổi phương thức canh tác truyền thống, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để canh tác bền vững. Nhờ đó, sản phẩm của HTX được đánh giá cao, nhiều nhà rang xay tìm đến đặt mua hàng với giá tốt hơn thị trường.
Hiện tổng thu nhập của gia đình bà Oanh đã đạt khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi năm. Bà Oanh cho biết thêm, năm nay giá cà phê tăng kỷ lục (có thời điểm đạt 72.000đ/kg) khiến nông dân phấn khởi. Bà Oanh định hướng, HTX sẽ làm tốt khâu sản xuất, làm nguồn nguyên liệu đạt chuẩn để cung ứng cho đối tác lớn, chế biến sản phẩm chất lượng cao.
Niên vụ tới, đối tác rang xay đã đặt hàng mua 50 tấn cà phê nhân chất lượng. Do đó, bà đang động viên hội viên tập trung chăm sóc, thu hoạch để có nguồn hàng cung ứng cho đối tác.
HTX Sản xuất nông nghiệp Ea Wy đang có 16 thành viên chính thức, ngoài ra còn 110 hộ liên kết, với tổng diện tích 100ha cà phê. Đây là HTX tiên phong chuyển đổi mô hình sản xuất cà phê truyền thống, nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm theo hướng hữu cơ, thu hái chín…
Hiện giá sầu riêng tăng cao, nhiều nông dân (trong đó có thành viên của HTX) muốn chuyển đổi cây trồng. Tuy nhiên, bà Oanh khuyến cáo nông dân chỉ nên trồng xen cây ăn quả vào trong vườn để tăng thêm thu nhập. Bà con nên xác định cây cà phê làm chủ lực và tập trung chăm sóc cho thật tốt. Bởi theo bà Oanh, thị trường tiêu thụ cà phê rất ổn định khi được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, giá cả ít bị tác động hơn các mặt hàng khác.