Nông dân xứ Đoài 'hái' tiền tỷ ở Kon Tum

0:00 / 0:00
0:00
TP - 33 năm trước, từ xứ Đoài (Hà Tây cũ, nay TP Hà Nội), ông Bùi Văn Quyển (56 tuổi) lăn lộn vào xã Ya Ly, huyện Sa Thầy (Kon Tum) để lập nghiệp. Mùa vụ năm nay bội thu, vườn sầu riêng 20 ha của ông thu 15 tỷ đồng. Mới đây, người đàn ông xứ Đoài này còn xuất sắc được bình chọn là 1 trong 100 gương mặt của cả nước nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023".

Cây sầu cơ nghiệp

Những ngày cuối tháng 9, trong vườn sầu riêng rộng 20 ha ở làng Tum (xã Ya Ly, huyện Sa Thầy), hàng chục công nhân tích cực “tóm” từng chồi non, cành già để cắt bỏ đi giữ dinh dưỡng cho cây. Hỏi thăm mới biết là vườn sầu riêng của người đàn ông xứ Đoài vào đây lập nghiệp trên địa bàn xã từ bao lâu nay.

Lân la hỏi thăm, chúng tôi men theo con đường mòn, gập ghềnh xuyên qua vườn cao thì thấy ngôi nhà cấp 4 cạnh con sông. Nhìn thấy chúng tôi, ông mời vào dùng trà. Tiếp xúc mới biết, ông Quyển sinh ra và lớn lên tại huyện Mỹ Đức (tỉnh Hà Tây cũ), người đàn ông xứ Đoài này từ nhỏ đã phải vất vả mưu sinh mấy chục năm tại làng Tum. Ông kể, thời đó gia đình thuộc loại khá giả ở thôn nhưng vì xảy ra nhiều biến cố, kinh tế gia đình sa sút. Thời điểm đó, gia đình ở Hà Tây chỉ còn 3 mẹ con. Anh chị em đi ở xa, cưới vợ hết rồi. Chỉ còn 3 anh em ở nhà phụ mẹ. Sau này, năm 1990, ông Quyển xuất ngũ và đi làm kinh tế. Nhận thấy đất đai ở Làng Tum quá phì nhiêu để làm nông nghiệp. Ông xác định ở lại và lập nghiệp. Ông đã làm đơn xin UBND huyện Sa Thầy giao đất và khai hoang được 20 ha.

Nông dân xứ Đoài 'hái' tiền tỷ ở Kon Tum ảnh 1

Chân dung ông Bùi Văn Quyển, 1 trong 100 gương mặt “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”

Đất đai tươi xốp, màu mỡ, ông quyết định trồng thử đợt cây cao su đầu tiên vào năm 1996. Sau nhiều năm lăn lội tìm phương pháp chăm sóc, xoay xở nguồn vốn, đến năm 2004, ông Quyển mới thu được đợt đầu tiên. Từ đó cuộc sống khá giả hơn nhưng rồi từ năm 2012 trở đi, mủ cao su bắt đầu trượt giá không phanh khiến ông phải lao đao. Đỉnh điểm năm 2016, giá cao su chỉ còn mấy nghìn đồng một cân.

“Trong khó khăn, tôi chợt nhìn thấy cây sầu riêng bên hiên nhà được trồng mấy năm trước, dù không chăm sóc nhưng cho rất nhiều quả. Nảy sinh ý định, tôi bàn bạc với mấy anh em lặn lội đến các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông để tìm hiểu cách họ trồng sầu riêng. Phấn khởi vì tìm thấy hướng đi, vào năm 2017, tôi quyết định chặt 20 ha cao su bán để lấy tiền làm nhà cho con. Tiền đầu tư chuyển đổi sang mô hình trồng sầu riêng tất cả phải đi vay ngân hàng”, ông Quyển cho hay.

Thu bạc tỷ, xóa hộ nghèo

Trong vụ đầu tiên thu hoạch sầu riêng vào năm 2022, gia đình ông hái được gần 100 tấn sầu riêng thu về khoảng 4 tỷ đồng, tuy nhiên số tiền chỉ đủ để trang trải cho mùa vụ. Tuy sầu riêng cho thu nhập gấp 20 lần so với trồng cao su, thế nhưng để xoay xở chi phí, người đàn ông này vẫn giữ lại khoảng hơn 10 ha cao su để lấy ngắn nuôi dài cho thu nhập hơn 350 triệu đồng mỗi năm.

Đối với mùa vụ năm nay, ông Quyển phấn khởi cho biết: “Vườn trồng sầu riêng là 20 ha nhưng thực gia đình chỉ thu được khoảng 2 nghìn cây (tầm 13 ha). May sao giá mua sầu riêng tại vườn năm nay cao. Tổng vụ thu năm nay hơn 15 tỷ đồng. Mới đây, tôi may mắn là 1 trong 100 gương mặt của cả nước nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”.

“Người con đến từ xứ Đoài này không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi, mà còn tích cực đóng góp vào các hoạt động khác của địa phương như góp phần đưa làng Tum đạt nông thôn mới, đóng góp quỹ an sinh xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân của địa phương… Ông cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm trồng cây sầu riêng cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã giúp họ thoát nghèo”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ya Ly

Theo ông Quyển, một nông dân giỏi không chỉ hoàn thành tốt công việc của mình mà còn phải thúc đẩy, lan tỏa tinh thần vượt khó, làm giàu của nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn; đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ya Ly.

Năm 2021, ông Quyển quyết định xây dựng tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm sầu riêng của gia đình, sau đó tiếp tục tham dự Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đặc biệt, vào cuối năm 2022, diện tích sầu riêng của gia đình ông được Cục Bảo vệ Thực vật cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Vượt 5 km đường đồi, chúng tôi tìm đến nhà anh Hải Mùa (ở làng Tum, xã Ya Ly), người được ông Quyển tư vấn, hỗ trợ từ khi chưa biết đến cây sầu riêng. Anh nhớ mãi không quên từ những ngày đầu tập tành trồng sầu riêng khởi nghiệp. “Anh Quyển nhiệt tình lắm! Mua giống cây, ống nước… giùm buôn làng. Không chỉ thế, anh còn đến tận nơi hướng dẫn từng khâu cho từng hộ”, anh Mua chia sẻ.

MỚI - NÓNG