Tự bơi nơi cù lao cửa biển

Trước phà trăm tấn vượt cửa Trần Đề là Cù Lao Dung “Một miền xanh biêng biếc hai mùa”
Trước phà trăm tấn vượt cửa Trần Đề là Cù Lao Dung “Một miền xanh biêng biếc hai mùa”
TP - Ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), có những con người táo bạo quyết chí làm giàu nhưng sản xuất nông nghiệp manh mún nên cũng chơi vơi…

Ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), chuỗi cù lao lớn nhất và cuối cùng trên sông Hậu, nằm giữa cửa Định An và cửa Trần Đề, có 18 cây số đối mặt biển Đông. “Có bao giờ em nghe tên ấy/Cù Lao Dung đẹp tựa bài thơ/Chơi vơi đảo, vây bốn bề sông nước”, thơ Lê Đức Đồng. Trên đó có những con người táo bạo quyết chí làm giàu nhưng sản xuất nông nghiệp manh mún nên cũng chơi vơi…

Bây giờ ra Cù Lao Dung đã có phà lớn. Từ bờ Sóc Trăng, lên phà Đại Ngãi vượt cửa Trần Đề mênh mông, đặt chân lên Cù Lao Dung lại như chạm vào câu thơ Lê Đức Đồng: “Một miền xanh biêng biếc hai mùa”. Mới lên, PV Tiền Phong đã gặp được Phó chủ tịch UBND huyện Phạm Hồng Văn, từng có bốn năm xin ra khỏi Đảng chỉ bởi, đảng viên mà nghèo nói dân hổng có nghe.

Cán bộ mắc cỡ với nghèo

Ông Văn xin ra khỏi Đảng từ năm 1989 đến năm 1994. Nhớ lại cái thời nghèo đói cũng là nhớ lại giai đoạn long đong của đời ông. Lớn lên đi làm công nhân ở Nông trường 30/4 cuối cù lao, rồi về quê làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Mua bán.

Năm 1986, Hợp tác xã Mua bán giải thể, ông làm Tập đoàn trưởng Tập đoàn sản xuất. Đất cù lao tốt tươi, khí hậu trong lành giữa bốn bề sông nước mà nhiều nơi khác nằm mơ cũng không có, nhưng thời bao cấp, không được tự do làm ăn nên nghèo. Đã nghèo lại còn hay “phát động phong trào” nọ kia, cán bộ bé như ông cứ phải gặp dân hô hào.

Một hôm, có người dân nói trống không: “Nghèo lo thân mình chưa xong còn bày đặt”. Nghe được, ông thấy mắc cỡ quá, thế là làm đơn xin ra khỏi Đảng để tự do làm ăn.

Nhà có 6.500 m2 đất, ông lăn ra làm ngày làm đêm, mùa nào cây nấy, hết dưa lại rau. Dư chút vốn liếng, ông mướn thêm đất để làm. Nhờ trời, đất tốt người siêng, lại lúc cơ chế kinh tế mở mang nên chỉ mấy mùa, cuộc sống đỡ hẳn. Năm 1990, dân bầu ông làm Trưởng ấp An Nghiệp, xã An Thạnh 3. Năm 1994, ông được kết nạp Đảng trở lại. Năm 1997, ông làm Trưởng công an xã, lên từ từ đến Phó chủ tịch UBND huyện bây giờ.

Quá trình làm quan, ông vẫn lo kinh tế gia đình, mua thêm đất. Khi cây mía truyền thống trên cù lao có giá, ông tập trung vào mía. Năm 2003 rộ lên nuôi tôm, ông bớt mía đào ào nuôi tôm. Những năm gần đây đã có 10 ha đất, mỗi năm ông lời khoảng 700 triệu đồng từ mía và 200 triệu đồng từ tôm sú. Sinh năm 1958, cao ráo, da đen, nói cười rổn rảng ra dáng nông dân sản xuất giỏi hơn là quan huyện.

Phụ trách nông nghiệp, ông chuyện trò rành rẽ về “cây con” trên cù lao. Hằng ngày, ông chạy xe máy hơn 20 km từ nhà đến cơ quan huyện, tức là từ đuôi cù lao đến đầu cù lao, qua một bến phà để lo nông nghiệp cho cả huyện.

Tuổi trẻ quyết làm giàu

Ở ấp Phạm Thành Hơn B, xã An Thạnh 2, có anh Lê Hồng Tuấn sinh năm 1972 trong nhà nghèo nhưng quyết làm giàu, cuối năm 2012 đã xây một lèo hai ngôi biệt thự, tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng. Một biệt thự cho gia đình anh, một biệt thự cho cha mẹ. “Nhờ nuôi tôm và trồng mía”, anh Tuấn cười, khoe.

Trưa nắng, anh Tuấn đưa khách đi xem ao nuôi tôm với đường dây điện, bình hạ thế và cả máy phát điện riêng do anh sắm, để chủ động sản xuất. Anh có chiếc ca nô cao tốc để chạy trên sông Hậu và chiếc xe con hơn một tỷ đồng để thỉnh thoảng lên phà vượt sông Hậu, ngao du. “Hồi nhỏ tôi nghèo khổ lắm, lớn lên phải vượt cửa Trần Đề vào đất liền làm thuê mong lập nghiệp đổi đời nhưng không thành công. Năm 31 tuổi, tôi trở về quê với 20 triệu đồng dành dụm, hùn vốn mướn đất nuôi tôm”, anh Tuấn kể. 

Tự bơi nơi cù lao cửa biển ảnh 1

Anh Lê Hồng Tuấn với con trai trước hai biệt thự mới xây

Hùn hạp hai năm, anh có tiền mua được 1,5 ha nuôi tôm độc lập, rồi mở rộng thêm đất trồng mía. Mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, một héc-ta mía mỗi năm lời 100 triệu đồng, còn tôm lời tiền tỷ. Cái cung cách nuôi tôm khép kín cho nước xoay vòng trong ao nuôi và ao lọc để hạn chế dịch bệnh mà nhiều nơi đang vận động, anh đã làm từ lâu. Theo anh, khép kín như thế còn tiết kiệm được khoảng 40% chi phí lấy nước và làm sạch nước.

Năm 2012, sau vụ tôm sú, anh nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng, đi trước nhiều người, lời 2 tỷ đồng. Năm 2013, nuôi ba vụ tôm thẻ chân trắng, lời hơn 6 tỷ đồng. Cũng năm 2013, trồng mía lỗ nên anh đã phá 2 ha mía để đào thêm ao nuôi tôm. Hiện vợ chồng anh có 1,2 ha mía và 5 ha ao nuôi tôm. 

Tự bơi nơi cù lao cửa biển ảnh 2

Anh Nguyễn Hoàng Phục hy vọng bên ao tôm mới đào: “Nuôi tôm trúng kiếm tiền tỷ”. ẢNH: SÁU NGHỆ

Láng giềng của anh Tuấn là cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Phục, khi rời quân ngũ trở về mới ngoài hai mươi, cũng quyết làm giàu. Với 3 ha đất cha mẹ để lại, anh chuyên canh mía, mỗi năm lời 150 – 200 triệu đồng. Thế nhưng, hai năm nay, trồng mía không còn có lời, mà năm 2013 theo anh là lỗ cả trăm triệu đồng.

Thấy người em nuôi tôm lời lớn, đầu năm 2014, anh phá 4.500 m2 mía để đào ao nuôi tôm. Giữa mùa khô trưa nắng chang chang, anh vẫn chưa rời ao tôm. Quần ướt sũng, áo thấm mồ hôi, người gầy đen với cái cười nhiều nếp nhăn lấp lánh hy vọng: “Nuôi tôm được mùa, được giá kiếm tiền tỷ không khó”.

Manh mún tự bơi

Trò chuyện với những người quyết chí làm giàu trên Cù Lao Dung, thấy hình ảnh sản xuất nông nghiệp ở vùng đất màu mỡ này là: Manh mún tự bơi. Phó chủ tịch huyện Phạm Hồng Văn trong ba chục năm, đi từ 0,65 ha đất lên 10 ha và bây giờ xuống 6 ha, vì đã chia bớt cho con cái ra riêng. Trong 6 ha, ông nuôi tôm, trồng mía và cả cây ăn trái để thứ nọ lỡ thất thu còn có thứ kia cứu.

Còn anh Tuấn, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật thì cũng phải chục năm mới tích luỹ được 6,2 ha đất. Nhưng còn hơn hàng vạn nông hộ trên cù lao, bình quân chỉ có 1 ha đất. Manh mún nên cây mía lâu đời đến nay vẫn làm thủ công, chi phí rất cao. Riêng tiền vận chuyển đến nhà máy đã chiếm một phần ba giá thành.

Phó chủ tịch UBND huyện Trần Bé Tư kể, từ năm 2010-2011, huyện vận động đưa giống mía có năng suất 180-200 tấn/ha với 11-13 chữ đường vào thay giống cũ. Làm ráo riết nhưng đến nay mới được 10% tổng diện tích. Năm 2013, triển khai cánh đồng mía mẫu, sử dụng máy vun luống mía để giảm chi phí nhưng cũng mới được 69 ha, quá nhỏ bé giữa vùng mía quy hoạch 8.000 ha.

Cán bộ và dân Cù Lao Dung thảy đều băn khoăn nhưng manh mún tự bơi chưa dám nghĩ xa hơn thúc bách hiện tại. Thời đại ra biển lớn, còn cù lao cửa biển vẫn cứ tủn mủn chơi vơi.

“Hiện đại hoá trồng mía” đang trầy trật, nay lại phát sinh nhu cầu “hiện đại hoá nuôi tôm”. Vì quy hoạch chỉ nằm trong nghị quyết, hợp đồng bao tiêu mía với bốn nhà máy cũng hình thức. Từ cuối năm ngoái đến nay, trồng mía lỗ nên cù lao đã tự phát phá hơn 300 ha mía để đào ao nuôi tôm. Nuôi tôm thẻ chân trắng có ưu điểm là chỉ hai tháng đã thu hoạch, dễ tránh dịch bệnh nhưng thả giống dày, cần lượng điện rất lớn, trong lúc điện lưới quốc gia ra cù lao từ năm 1998 chủ yếu cho sinh hoạt.

Không có điện phải chạy máy nổ để quay cánh quạt sục khí thì mỗi vụ tốn đến 200 triệu đồng/ha. Tự lo điện như anh Lê Hồng Tuấn cũng rất tốn kém. Anh Tuấn kể, năm ngoái kéo đường dây và hạ thế ba bình điện, tốn 205 triệu đồng. Đầu năm nay, mở rộng ao tôm, nâng bình hạ thế lên gấp đôi, riêng tiền công hạ bình cũ gắn bình mới tốn trăm triệu.

Nếu vẫn thiếu điện? Nếu nhiều nước khác nuôi tôm vượt qua dịch bệnh mà tăng sản lượng, giá tôm giảm như bảy năm trước thì người nuôi tôm dễ lỗ, trở lại trồng mía có được không? Cán bộ và dân Cù Lao Dung thảy đều băn khoăn, nhưng manh mún tự bơi chưa dám nghĩ xa hơn thúc bách hiện tại. Thời đại ra biển lớn, còn cù lao cửa biển vẫn cứ tủn mủn chơi vơi.

Các ngành trên tỉnh vừa khảo sát nhu cầu của Cù Lao Dung, cần cấp thiết xuống điện ba pha 17 điểm, hạ thế 34 trạm, gần 100 km đường dây, tốn 16 tỷ đồng. Chưa biết bao giờ thực hiện.

MỚI - NÓNG