GS. TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, cho rằng, cần tôn trọng các quan điểm khác biệt về vấn đề của giáo dục trên nền tảng của tư duy khoa học, đặc biệt là tư duy thực chứng và tư duy logic; xem khoa học sư phạm như một phần của các khoa học giáo dục và từ đó nhìn nhận vấn đề sư phạm trong bối cảnh chung của giáo dục. Điều này giúp vượt qua nội hàm hẹp của khái niệm “giáo dục học” và cách tiếp cận nhìn nhận về sư phạm chỉ như là những vấn đề trong nhà trường.
Đổi mới thi cử đánh giá để giảm áp lực cho người học Ảnh: Mạnh Thắng |
Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai cuốn chiếu từng cấp học và đến năm 2025 chính thức hoàn thành. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng sẽ phải phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
TS Phạm Ngọc Duy, một chuyên gia về đo lường, đánh giá, Trường ĐH Massachett Armhest và Trung tâm Khảo thí Hoa Kỳ (ETS), nói rằng, theo tuyên bố của những người xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, mục tiêu của chương trình là dựa trên năng lực cá nhân nhằm giúp học sinh phát triển năm phẩm chất cốt lõi và mười năng lực.
Các câu hỏi chính ở đây là làm thế nào có thể giúp học sinh phát triển những phẩm chất và năng lực này; làm sao biết học sinh đạt được năng lực này khi tốt nghiệp phổ thông? Ông Duy khẳng định nghiên cứu sư phạm có thể giúp trả lời câu hỏi đầu tiên và phương pháp đánh giá có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về câu hỏi thứ hai.
Để giải quyết bài toán thi cử tại Việt Nam, TS Phạm Ngọc Duy đề xuất xây dựng và duy trì một thang đo ổn định và dễ hiểu. Học sinh có thể thi nhiều lần trong năm để giảm áp lực thi.
Trong khi đó, giá trị của các đánh giá, đặc biệt là các đánh giá có tính rủi ro cao như kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh, là đảm bảo kết quả đáng tin cậy, hợp lệ và công bằng cho tất cả học sinh tham gia kỳ thi.
Vì vậy, thách thức đầu tiên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với một mục tiêu hoàn toàn khác chương trình cũ là duy trì mức độ tin cậy, công bằng cao cho tất cả các bài đánh giá, đặc biệt tập trung vào các bài kiểm tra tổng kết và có tính phân loại cao. Thách thức tiếp theo là theo dõi sự tiến bộ của học sinh để có thể hỗ trợ từng em trong suốt chặng đường học tập.
“Nếu không có hồ sơ theo chiều dọc về quá trình học tập của học sinh, việc tạo điều kiện cho lộ trình học tập được cá nhân hóa sẽ khó khăn hơn nhiều”, ông Duy nói.
Ông Duy đề xuất hệ thống đánh giá cân bằng, vốn là một hệ sinh thái đánh giá được thiết kế tốt phù hợp với chương trình giảng dạy nhằm hỗ trợ việc học tập và hạnh phúc của học sinh bằng cách phục vụ các mục đích đánh giá khác nhau, đo lường các năng lực khác nhau, hỗ trợ các nhóm học sinh khác nhau và cung cấp nội dung ở nhiều định dạng và thiết bị khác nhau.