GS.TS Nguyễn Quý Thanh: Tranh luận về giáo dục nhiều khi không có hồi kết

0:00 / 0:00
0:00
TPO - GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cho rằng trong những năm gần đây hầu như tháng nào cũng có những tranh luận về các vấn đề liên quan đến giáo dục.

Diễn đàn Hà Nội về Khoa học sư phạm và Giáo dục năm 2023 (HaFPES 2023) thu hút sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế với 136 tóm tắt công trình nghiên cứu, 34 báo cáo trực tiếp tại hội thảo và 71/95 bài được duyệt đăng trong Kỷ yếu.

HaFPES 2023 do Trường Đại học (ĐH) Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27/10.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh: Tranh luận về giáo dục nhiều khi không có hồi kết ảnh 1

Các chủ đề chính của diễn đàn bao gồm lãnh đạo trường học, giáo dục sư phạm, đánh giá giáo dục, nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam, và ứng dụng công nghệ trong giáo dục. HaFPES 2023 diễn ra trong hai phiên chung và mười phiên song song, với những báo cáo chất lượng từ các chuyên gia trong và ngoài nước.

Tại các phiên chung, Hội thảo nghe 4 báo cáo quan trọng:

Khi nghiên cứu về giáo dục ngày nay, chúng ta cần đặt ra những câu hỏi cơ bản về bản chất con người và tác động của giáo dục. HaFPES 2023 trình bày các lý thuyết mới về giáo dục qua báo cáo "The Human Being: Nature versus Nurture" của GS.TS Nguyễn Quý Thanh và GS.TS Lê Ngọc Hùng, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội. Việc đánh giá giáo dục là yếu tố quan trọng, được bàn thảo trong báo cáo của TS Phạm Ngọc Duy, Trường ĐH Massachusetts, Hoa Kỳ với tiêu đề "Addressing Assessment Challenges of the New National Curriculum".

GS.TS Nguyễn Quý Thanh: Tranh luận về giáo dục nhiều khi không có hồi kết ảnh 2

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (bên trái) tham dự phiên khai mạc của HaFPES 2023

Chất lượng giáo viên và đào tạo giáo viên trong ASEAN cũng là tâm điểm của sự quan tâm, được thảo luận qua báo cáo của PGS.TS. Jiradawan Huntula Viện Nghiên cứu và Phát triển Nghề nghiệp giảng dạy của ASEAN, Trường ĐH Khon Kaen, Thái Lan trong bài báo có nhan đề "Teacher education in ASEAN countries". Cuối cùng, bàn về các khía cạnh thần kinh học đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu về rối loạn học tập, được khám phá qua báo cáo của GS. Susan De La Paz, Trường ĐH Maryland, Hoa Kỳ với tiêu đề "What can Neuroscience tell us about why Cognitive Strategies benefit Students with Learning disorders".

Các phiên song song được chia thành 5 chủ đề chính gồm: lãnh đạo trường học trong bối cảnh chuyển đổi số: Từ chính sách đến thực tiễn; giáo dục sư phạm trong chuyển đổi số và giáo dục dựa trên năng lực; xu hướng hiện đại trong đánh giá giáo dục: Đánh giá năng lực, kiểm định và xếp hạng; nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam: Triển vọng và thách thức; công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0: Từ Nghiên cứu đến Ứng dụng trong giáo dục.

Các nhà Khoa học có thể lựa chọn tham gia vào từng tiểu ban với các chủ đề mà mình quan tâm.

Phát biểu đề dẫn diễn đàn, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cho rằng trong những năm gần đây hầu như tháng nào cũng có những tranh luận về các vấn đề liên quan đến giáo dục. Từ những câu chuyện của giáo dục ĐH như tự chủ, hội đồng trường, kiểm định chất lượng và tuyển sinh, v.v. cho đến những vấn đề của giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non, như chương trình và sách giáo khoa, vị trí của môn Lịch sử, kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc dạy các môn tích hợp, phương pháp đánh giá kết quả học tập ở các bậc học, v.v.

Những tranh luận này nhiều khi không có hồi kết, thậm chí còn tạo thành những xung đột trên mạng xã hội; trong nhiều gia đình, xung đột liên thế hệ cũng như xung đột quan điểm vợ - chồng về cùng một vấn đề giáo dục. Những tranh luận này thường không đi đến thống nhất vì nhiều người tham gia chỉ đưa ra những đánh giá, nhận định dựa vào trải nghiệm cá nhân của mình về giáo dục hơn là dựa vào tư duy khoa học giáo dục và các thành tựu của nó.

"Những ý kiến lập luận kiểu “thời tôi/con tôi học nó không thế” khá phổ biến. Hiện trạng này phổ biến đến mức nhiều người nói vui, “ai cũng có thể bình luận về giáo dục giống như bình luận về bóng đá” vì ai cũng từng xem, hoặc từng đá và nó có vẻ dễ hiểu, chứ không như bóng bàn chẳng hạn", GS Quý Thanh nói. Theo ông, thực tế, để có được những kết luận đúng, khoa học thì những thảo luận này cần có tính thẩm quyền chuyên môn – một khái niệm rất quan trọng của truyền thông khoa học, hay nói cách khác phải được dựa trên những thảo luận khoa học nghiêm túc.

Việc phản biện chính sách với tư cách người dân chịu tác động cần phải tách bạch với phản biện của người có thẩm quyền và năng lực chuyên môn. "Ở HaFPES 2023, chúng tôi mong muốn tạo ra một nền tảng cho những tranh luận khoa học nghiêm túc của những người có năng lực và thẩm quyền chuyên môn như vậy. Mong muốn nó trở thành một nơi chốn cho những thảo luận mở, tôn trọng các quan điểm khác biệt về vấn đề của giáo dục trên nền tảng của tư duy khoa học, đặc biệt là tư duy thực chứng và tư duy logic", GS Nguyễn Quý Thanh khẳng định.

MỚI - NÓNG