Theo đó, sẽ tiếp tục thực hiện mức giá tối đa trong khâu bán buôn của 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được công bố tại Quyết định số 1079/QĐ-BTC và giá tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã kê khai được cơ quan quản lý giá công bố.
Đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi chưa được xác định, công bố giá tối đa hoặc điều chỉnh giá tối đa, mức giá thực hiện trong khâu bán buôn chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày được cơ quan quản lý giá công bố. Mức giá thực hiện trong khâu bán lẻ chậm nhất sau 20 ngày kể từ ngày mức giá bán buôn có hiệu lực thi hành.
Trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong mới đây về áp trần giá sữa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, do công tác quản lý nhà nước đối với sữa, mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá, còn nhiều bất cập, nên đã dẫn đến một số DN có biểu hiện “nhờn luật”, “lách luật”, thậm chí điều chỉnh tăng giá khi chưa được cơ quan quản lý giá cho phép. Nói thẳng ra, nếu DN không vi phạm và vi phạm kéo dài thì cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa đến mức phải áp dụng biện pháp này. Điều này thể hiện rất rõ ở các kết luận thanh tra, kiểm tra DN có hoạt động sản xuất kinh doanh sữa những năm qua, và cơ quan quản lý đã có nhiều biện pháp nhắc nhở.
Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, việc áp dụng giá trần có thể chưa đúng với các cam kết quốc tế, và chưa phù hợp với việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN hiện nay. Về việc này, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tham khảo kỹ lưỡng và thấy rằng việc áp dụng giá trần hoàn toàn không vi phạm cam kết quốc tế mà còn bảo đảm khả năng cạnh tranh bình đẳng. Các yếu tố trên là những căn cứ rất quan trọng để Bộ Tài chính áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa theo giá trần. Còn về việc hỗ trợ DN, tháo gỡ khó khăn thì chúng ta có nhiều biện pháp, hình thức khác nhau, không nhất thiết phải nhân nhượng trong công tác quản lý giá mới là hỗ trợ DN. Thêm vào đó, chỉ có năm DN trong diện thanh tra, kiểm tra đã chiếm tới 90% thị phần sữa trong nước rồi, và họ đều có lãi lớn cả, không phải diện DN cần được ưu đãi đặc biệt.
"Trong quá trình quản lý giá sữa theo biện pháp áp trần này, điều chúng tôi mong muốn là người tiêu dùng, người sản xuất kinh doanh và cả người quản lý đều phải được đặt trong sự giám sát cẩn trọng của người tiêu dùng, của các phương tiện thông tin đại chúng. Lãnh đạo Bộ Tài chính đã xác định đây là hoạt động cần kiên trì, kiên nhẫn, vừa truyền thông vừa đối thoại, vừa phát hiện vừa xử lý. Nói chung, đó là một chính sách quản lý có tính “mở” nhằm đem lại trật tự rõ ràng hơn trong công tác quản lý, lưu thông và tiêu dùng trên thị trường sữa", ông Tuấn cho biết.