Loại chi phí quảng cáo ra khỏi giá sữa

Từ 15/4 tới đây, doanh nghiệp phải kê khai lại giá sữa. Ảnh: Như Ý.
Từ 15/4 tới đây, doanh nghiệp phải kê khai lại giá sữa. Ảnh: Như Ý.
TP - Với văn bản phát đi chiều 26/3 của Bộ Tài chính, vào 15/4 tới đây, doanh nghiệp buộc phải loại chi phí quảng cáo ra khỏi giá thành niêm yết bán đối với các loại sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Và như vậy, hy vọng ít nhiều giá sữa sẽ giảm.

Giá cao, thấp không đều

Ngày 26/3, PV Tiền Phong khảo sát tại nhiều đại lý cho thấy: Cùng một loại sữa, cùng trọng lượng nhưng giá mỗi nơi một khác và chưa có dấu hiệu giảm giá, dù từ đầu năm tới nay, giá sữa nguyên liệu liên tục giảm. Đồng thời, trước đó một ngày, Bộ Tài chính công bố tiếp tục áp giá trần bán buôn thêm 10 sản phẩm mới, nâng tổng sản phẩm nằm trong danh sách bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi lên con số 672.

Chị Bích Hằng, chủ đại lý bán sữa trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chưa nghe nhân viên tiếp thị các hãng sữa nói giảm giá. Giá nhiều mặt hàng sữa tại đây vẫn được niêm yết với mức khá cao như: Sữa Friso Gold số 3 vị Vani - 1,5kg giá 610.000 đồng; XO số 4 giá: 478.000 đồng/hộp 800g; Pysolac số 3: 405.000 đồng/hộp 900g; Nan Nga số 1: 579.000 đồng/hộp 800 g; Sữa Similac Advance- 658g: 455.000 đồng/hộp... Chủ một cửa hàng đại lý sữa trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) thừa nhận từ giữa năm 2014 đến nay cửa hàng này chưa giảm giá đợt nào. Một số nhãn sữa bán chạy nhất tại đây là: Grow 1- 2 - 3 có các mức giá 168.000 đồng/hộp - 160.000 đồng/hộp - 150.000 đồng hộp trọng lượng 400g; Friso Gold  900g có giá 460.000 đồng/hộp.

Lý giải về việc dù đã có giá trần nhưng mức giá các mặt hàng sữa tại nhiều cửa hàng không tương đồng, chủ một cửa hàng sữa cho biết: Đó là do sau khi các hãng sữa áp giá trần, cửa hàng bán lẻ được quyền cộng thêm 15%. Tuy nhiên, không phải cửa hàng bán sữa nào trên địa bàn Hà Nội cũng được hỗ trợ để giảm giá. “Chỉ những cửa hàng hợp tác với công ty mới được bù giá. Thế mới có chuyện cùng một thương hiệu sữa, cùng trọng lượng nhưng giá cửa hàng này cao hơn cửa hàng khác cả chục nghìn đồng/hộp sữa”, một chủ cửa hàng nói.

Chị Hải Hương (nhân viên văn phòng một công ty môi giới bất động sản) chia sẻ: “Tôi có 1 bé 4 tuổi, 1 bé 1,5 tuổi. Hiện 2 bé đang dùng dòng sản phẩm sữa Nan Nga. Mỗi tuần tôi tốn 2 hộp 800g. Riêng tiền sữa mỗi tháng lên đến 4.632.000 đồng. Vợ chồng có thể nhịn ăn nhưng không thể nhịn mua sữa cho con. Tôi chỉ mong sao giá sữa rẻ để bớt đi một phần gánh nặng cho gia đình”.

Trong bối cảnh giá sữa nhập khẩu vẫn không giảm trong khi giá sữa nguyên liệu nước ngoài giảm mạnh, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khuyến cáo rằng, hành vi tiêu dùng của người dân là rất quan trọng trong việc quyết định giá của các nhà kinh doanh. “Người dân không nên lệ thuộc quá nhiều vào một sản phẩm sữa. Như vậy, sẽ gây áp lực được với doanh nghiệp phân phối và đảm bảo mức giá cạnh tranh công bằng theo quy luật của thị trường”- ông Hùng lưu ý.

Kê khai lại giá

Ngày 25/3, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) gửi công văn hỏa tốc đề nghị các hãng sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi rà soát, tiết giảm các khoản chi phí hình thành giá thành, giá bán sản phẩm và kịp thời giảm giá bán khi các khoản chi phí trong cơ cấu giá giảm. Đặc biệt, đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, các doanh nghiệp phải thực hiện loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá và giảm giá tương ứng với mức chi phí quảng cáo đã loại trừ.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ 2 (Cục Quản lý Giá) cho biết: Quy định nghiêm cấm quảng cáo đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi (2 tuổi) có thể gặp vướng mắc nhất định. Cụ thể, theo Luật Quảng cáo mới, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được phân thành hai lứa tuổi, từ 1 đến 3 tuổi và từ 3 đến 6 tuổi, nên sẽ khó trong việc phân loại. “Các doanh nghiệp kinh doanh sữa cần phải sắp xếp lại tên phù hợp với quy định nghiêm cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng như trong Nghị định 100 (ban hành ngày 6/11/2014- PV). Cục Quản lý Giá đã gửi văn bản yêu cầu  các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa phải phân loại và kê khai lại giá muộn nhất là ngày 15/4/2015”, ông Trường nói.

Cùng ngày 25/3, Cục Quản lý Giá có văn bản đề nghị Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện biện pháp quản lý giá tối đa đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định.

Chờ Bộ Y tế phân loại?

Qua khảo sát thực tế, có không ít sản phẩm sữa dành cho trẻ từ 0 đến 36 tháng tuổi là dành cho trẻ em dưới 2 tuổi. Để có con số phân loại cụ thể những sản phẩm nào dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi nhằm áp đặt quy định cấm quảng cáo sẽ phụ thuộc vào cách phân loại của Bộ Y tế đối với các sản phẩm sữa của doanh nghiệp sữa. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa phân loại đủ.  

MỚI - NÓNG