TTCK châu Á phục hồi, riêng Nhật đi xuống

TTCK châu Á phục hồi, riêng Nhật đi xuống
TPO - Phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á đã tăng điểm hôm nay, tuy nhiên sự tăng điểm này là khá bấp bênh. Riêng tại Nhật, chỉ số Nikkei 225 xuống mức thấp nhất trong 26 năm qua.

>> VN-Index trở lại trên ngưỡng 250 điểm

TTCK châu Á phục hồi, riêng Nhật đi xuống ảnh 1
Sự thấp thỏm của nhà đầu tư. Ảnh: AP

Thị trường chứng khoán Hong Kong dẫn đầu ngày phục hồi của chứng khoán khu vực nhờ việc gã khổng lồ ngành tài chính HSBC tăng điểm sau khi chính quyền thành phố cam kết có biện pháp cứu ngành tài chính.

Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng tăng 349,47 điểm tức 3,1% lên 11.694,05 điểm nhờ HSBC đã tăng 13,9% sau khi đã giảm 24% hôm thứ hai. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 1,9% lên 1.092,20 điểm trong khi các chỉ số khác tại Australia, Singapore và Trung Quốc cũng đều tăng điểm.

Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích thị trường, sự tăng điểm tại châu Á là bấp bênh bởi đi ngược lại với Mỹ, nơi Wall Street sáng nay tiếp tục giảm do cuộc khủng hoảng chưa có dấu hiệu chững lại. Sáng nay, Dow giảm 79,89 điểm tức 1,2% còn 6.547,05 điểm.

Chỉ có thị trường lớn duy nhất tại châu Á giảm điểm trong ngày đó là Tokyo, nơi Nikkei 225 mất 31,05 điểm tức 0,4% còn 7.054,98 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 6/10/1982, thời điểm chỉ số kết thúc ở mức 6.974,35 điểm.

Nguyên nhân thị trường Nhật giảm điểm xuống mức thấp nhất trong 26 năm qua đó là do cổ phiếu của các hãng dược phẩm mất giá sau thông tin tại New York, cuộc đàm phán sát nhập trị giá 41 tỷ USD của hai hãng dược phẩm khổng lồ Merck & Co và Schering-Plough đã thất bại.

Điều này đã làm cổ phiếu của các hãng dược phẩm Nhật giảm mạnh, cổ phiếu của Astellas Pharma 4,3% trong khi Eisai Co giảm 6%. Còn hãng sản xuất thuộc lớn nhất Nhật Takeda Pharmaceutical giảm 3,9%.

Ngược lại, cổ phiếu của các hãng năng lượng tăng nhờ giá năng lượng tăng trong mấy phiên giao dịch dần đây. Cổ phiếu CNOOC của Trung Quốc tăng 6,7% trên thị trường Hong Kong. Tập đoàn dầu lớn thứ hai Australia Woodside Petroleum tăng 3,2%.

Tuy nhiên, giá dầu thô giao tháng 4/2009 tại châu Á đã đóng cửa giảm 27 cent còn 46,81 USD/thùng. Trước đó tại Mỹ đã tăng 1,55 USD lên 47,07 USD/thùng trên New York Mercantile Exchange do OPEC đánh tín hiệu tiếp tục cắt giảm trong cuộc họp trong tháng này.

Tuấn Đức
Theo Reuters

MỚI - NÓNG